Hội thảo Khoa học Quốc gia về Giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông Việt Nam

Đăng lúc: Thứ ba - 01/01/2013 21:18 - Người đăng bài viết: anhtuan
Hội thảo Khoa học Quốc gia về Giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông Việt Nam

Hội thảo Khoa học Quốc gia về Giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông Việt Nam

Hội thảo Khoa học Quốc gia về Giáo dục Âm nhạc, Mĩ thuật và Giáo dục Thể chất ở trường phổ thông Việt Nam được tổ chức trong 2 ngày 21-22 tháng 12 năm 2012, tại Nhà khách Bankstar, số 79 Lý Thánh Tông, Đồ Sơn, Hải Phòng.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm tập trung phân tích, đánh giá vào 3 nội dung trọng tâm là: (1) Nghiên cứu lí luận về giáo dục Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, Chương trình và sách giáo khoa Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất ở trường phổ thông; (2) Phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất ở trường phổ thông; (3) Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất cho các trường phổ thông.

Sau phiên Khai mạc, Ban tổ chức (đứng đầu là Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển) đã điều hành tổ chức Hội thảo riêng cho từng môn học là Âm nhạc, Mĩ thuật và Giáo dục Thể chất.

Giờ học Âm nhạc tại trường tiểu học Lê Ngọc Hân, quận I, thành phố Hồ Chí Minh

Hội thảo môn Âm nhạc có 108 đại biểu tham dự, bao gồm: Lãnh đạo Bộ Giáo dục- Đào tạo; Đại diện Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Lãnh đạo và chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lí, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Chương trình phát triển Giáo dục Trung học; Các nhà khoa học, tác giả Chương trình và sách giáo khoa Âm nhạc; Đại biểu Hội đồng quốc gia giáo dục Âm nhạc; Chuyên viên Sở Giáo dục- Đào tạo, Phòng Giáo dục chỉ đạo về dạy học Âm nhạc ở trường Tiểu học và Trung học cơ sở; Các cán bộ quản lí, giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, đại học Nghệ thuật Huế, Đại học Sư phạm Sài Gòn…và một số trường Đại học và Cao đẳng sư phạm có đào tạo giáo viên âm nhạc; Đại diện giáo viên Âm nhạc đến từ các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên toàn quốc.

Dưới đây là Kết luận của Hội thảo môn Âm nhạc, đã được nhạc sĩ Hoàng Long, thay mặt Chủ tịch đoàn, trình bày trong phiên họp bế mạc, trước toàn thể Ban tổ chức và đại biểu Hội thảo.

KẾT LUẬN CỦA HỘI THẢO

Đây là lần đầu tiên, Bộ Giáo dục- Đào tạo chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông Việt Nam. Hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá vào 3 nội dung trọng tâm là: (1) Nghiên cứu lí luận về giáo dục Âm nhạc phổ thông, Chương trình và sách giáo khoa Âm nhạc phổ thông; (2) Phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Âm nhạc ở trường phổ thông; (3) Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Âm nhạc cho các trường phổ thông.

Kỷ yếu Hội thảo gồm 45 bài viết, tổng số 286 trang (không kể phần phụ lục). Hội thảo đã được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, đảm bảo các yêu cầu về khoa học, giáo dục và dân chủ. Đã có 11 bản tham luận được trình bày và gần 30 ý kiến phát biểu trong Hội thảo. Dưới đây là một số kết luận chủ yếu.

1. Đánh giá những thành tựu và hạn chế của giáo dục Âm nhạc hiện nay

Giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông đã đạt được những thành tựu chủ yếu về các mặt: Chương trình- Sách giáo khoa Âm nhạc thể hiện tính khoa học, tính sư phạm và khả thi; đội ngũ giáo viên phát triển vượt bậc về số lượng; Phương pháp dạy học và phương tiện ngày càng được hoàn thiện và nâng cao; Hiệu quả giáo dục Âm nhạc có những thành công rất đáng ghi nhận.

Một số hạn chế của giáo dục Âm nhạc là: Chất lượng giáo viên Âm nhạc chưa đồng đều, một số không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn; Chương trình- Sách giáo khoa còn một vài hạn chế; Việc kiểm tra, đánh giá chưa động viên và phát huy được tính tích cực của học sinh.

2. Định hướng về giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông Việt Nam sau 2015

Hội thảo thống nhất về vai trò của giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông là hết sức cần thiết và có tác dụng rất lớn trong giáo dục học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mĩ. Âm nhạc không thể thiếu trong đời sống xã hội và học đường. Hội thảo thống nhất về mục tiêu của giáo dục Âm nhạc nhằm giúp học sinh có một số hiểu biết nhất định về âm nhạc, hình thành năng lực cảm thụ và có khả năng thực hiện một số hoạt động âm nhạc phù hợp với lứa tuổi.

Hội thảo đã thống nhất một số định hướng cụ thể sau.

- Giữ ổn định những thành tựu mà giáo dục Âm nhạc đã đạt được.

- Thực hiện giáo dục Âm nhạc cho học sinh ở trường Trung học phổ thông (lớp 10, 11, 12).

- Xây dựng Chương trình môn Âm nhạc theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.

- Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của phương pháp dạy học Âm nhạc.

- Thực hiện dạy nhạc cụ trong môn Âm nhạc.

- Tăng cường giáo dục Âm nhạc mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

- Tăng cường sử dụng di sản trong giáo dục Âm nhạc.

3. Đề xuất và kiến nghị

Trên cơ sở xác định những thành tựu, hạn chế của giáo dục Âm nhạc hiện nay và những định hướng giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông Việt Nam sau 2015, Hội thảo đề xuất và kiến nghị với Bộ Giáo dục- Đào tạo một số vấn đề sau:

- Âm nhạc nên tiếp tục là môn học để tạo sự ổn định và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông.

- Tăng thời lượng giáo dục Âm nhạc ở Tiểu học lên mỗi tuần 2 tiết, bởi trường Tiểu học sau 2015 chủ yếu dạy học 2 buổi / ngày.

- Cần cải tiến việc kiểm tra, đánh giá môn Âm nhạc: môn Âm nhạc cần được kiểm tra và cho điểm (thang 10 điểm) giống như hầu hết các môn học khác. Nếu  đánh giá bằng nhận xét, phải chia thành nhiều mức để xếp loại về năng lực và phát huy  tính tích cực học tập của học sinh, ví dụ chia thành 4 mức: giỏi, khá, trung bình, yếu.

- Tổ chức thực hiện giáo dục Âm nhạc ở Trung học phổ thông là môn học tự chọn, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Mỗi tuần có 2 tiết, mỗi trường Trung học phổ thông cần tối thiểu 1 giáo viên Âm nhạc. Nội dung dạy học chủ yếu là học hát, học nhạc cụ, tập đọc nhạc, nhạc lí và âm nhạc thường thức. Mục tiêu dạy học Âm nhạc ở Trung học phổ thông nhằm đáp ứng nhu cầu của những học sinh yêu thích và có năng khiếu âm nhạc, giúp các em có điều kiện tiếp tục học tập ở các trường Đại học và chuyên nghiệp.

- Cần xây dựng hệ thống tiêu chí để tiêu chuẩn hóa đội ngũ giáo viên Âm nhạc ở từng cấp học.

 

Kết luận trên đã được Chủ tịch đoàn và toàn thể Hội nghị thông qua. Danh sách Chủ tịch đoàn gồm có:

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Nhạc sĩ Hoàng Long, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

PGS.TSKH Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

Nhạc sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Thạc sĩ Lâm Trúc Quyên, Trưởng khoa Nghệ thuật Đại học Sài Gòn

Đến ngày 18 tháng 01 năm 2013, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã ký bản Thông báo kết quả Hội thảo khoa học quốc gia về giáo dục Âm nhạc, Mĩ thuật và Thể chất ở trường phổ thông Việt Nam. Dưới đây là toàn văn Thông báo:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Số: 80 /TB-BGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

           Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2013

 

THÔNG BÁO KẾT QUẢ HỘI THẢO KHOA HỌC

QUỐC GIA VỀ GIÁO DỤC ÂM NHẠC, MĨ THUẬT VÀ THỂ CHẤT

Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG VIỆT NAM

 

Trong hai ngày 21 và 22/12/2012, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về giáo dục âm nhạc, mĩ thuật và thể chất ở trường phổ thông Việt Nam.

Hội thảo do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì; tham dự có đại diện lãnh đạo, cán bộ  các đơn vị bậc học và các đơn vị liên quan, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, 33 Sở GDĐT.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham gia có chất lượng về đánh giá chương trình, sách giáo khoa âm nhạc, mĩ thuật và thể chất, nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc, mĩ thuật và thể chất hiện nay; định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; định hướng dạy học trong nhà trường phổ thông sau năm 2015.

Tổng hợp các báo cáo và ý kiến thảo luận, Bộ GDĐT thông báo kết quả hội thảo như sau:

I- Đánh giá về chương trình, sách giáo khoa; phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thời gian qua

1. Những kết quả đạt được

Trong bối cảnh và điều kiện thực tiễn dạy học vừa qua, nhìn chung chương trình và sách giáo khoa âm nhạc, mĩ thuật và thể dục đã đáp ứng được những yêu cầu nhất định của mục tiêu giáo dục phổ thông, đã góp phần tích cực xây dựng môi trường giáo dục hấp dẫn, lành mạnh, thân thiện trong các nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh, hưởng ứng tích cực phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

- Môn Âm nhạc:

Chương trình có cấu trúc tương đối hợp lí, đảm bảo tính sư phạm, bước đầu phù hợp với năng lực tiếp thu của học sinh Việt Nam.

SGK âm nhạc hiện hành được biên soạn thống nhất từ Tiểu học (TH) đến hết Trung học cơ sở (THCS), hình thức đẹp, nội dung phong phú, đảm bảo tính khoa học, tính hệ thống và tính giáo dục, kênh hình, kênh chữ hài hòa, phù hợp với đặc trưng của bộ môn. Từ lúc chỉ có khoảng 35% số trường TH và THCS có GV chuyên trách dạy âm nhạc, cho đến nay sau hơn 10 năm, tỉ lệ này đã là khoảng 90%. Thiết bị giáo dục âm nhạc về cơ bản đáp ứng được yêu cầu tối thiểu. Giáo dục âm nhạc đã góp phần tích cực trong việc xây dựng môi trường sư phạm vui tươi của các nhà trường.

- Môn Mĩ thuật:

Chương trình môn mĩ thuật về cơ bản có tính sư phạm, bước đầu chú trọng phát triển năng lực hiểu biết và cảm thụ cái đẹp.

Bộ sách môn Mĩ thuật gồm có sách hướng dẫn GV các lớp 1, 2, 3, 4, 5 và sách giáo khoa cho HS các lớp 4,5 được thiết kế, minh họa tương đối phù hợp với nội dung kiến thức của bài học. 80% số trường TH và THCS đã có đội ngũ giáo viên mĩ thuật. Các trường tiểu học đã được trang bị các thiết bị dạy học mĩ thuật tối thiểu như cặp vẽ, bút vẽ, hộp màu, bảng pha màu và một số trường có tuyển tập tranh của các họa sĩ trong nước và quốc tế, tuyển tập tranh thiếu nhi, tuyển tập tranh dân gian Việt Nam. Hiện nay gần 6000 trường tiểu học đã có phòng nghệ thuật dành riêng cho học mĩ thuật. Chất lượng dạy và học mĩ thuật hiện nay đã được cải thiện rất nhiều so với trước năm 2000, góp phần xây dựng các nhà trường xanh, sạch, đẹp.

- Môn Thể dục:

Chương trình có nhiều thuận lợi hơn so với các môn Âm nhạc và Mĩ thuật. Nội dung được lựa chọn, đảm bảo tính logic và định hướng phát triển nhiều môn thể thao trong phạm vi trường học, phát huy các môn thể thao dân tộc. Thông qua các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên đề về đổi mới PPDH, đổi mới kiểm tra đánh giá, hướng dẫn tự làm thiết bị và ứng dụng CNTT trong dạy học, hàng vạn lượt GV được nâng cao trình độ chuyên môn để thực hiện chương trình, nhiều trường đã tích cực cải thiện và tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học góp phần đổi mới dạy học thể dục, trang bị cho HS phương pháp tự rèn luyện và tổ chức tập luyện một số môn thể thao.

2. Hạn chế cần khắc phục

Là những môn học mới, lại gắn liền với các nhu cầu và hoạt động thường xuyên của tất cả mọi người, phản ánh các sắc thái nghệ thuật rất phong phú, mang đậm các đặc trưng khác nhau về văn hóa, đặc điểm sống của các vùng quê, các dân tộc của đất nước ta trong quá trình hội nhập, kết quả của các môn học này còn nhiều hạn chế; cả 3 hoạt động giáo dục âm nhạc, mĩ thuật và thể chất đều chưa thật sự quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược quan trọng của mình, thiên về dạy các kiến thức, kĩ năng chuyên biệt của môn học, chưa coi trọng việc tổ chức các hoạt động thực tiễn về âm nhạc và mĩ thuật, rèn luyện sức khỏe của học sinh; sự quan tâm đầu tư các điều kiện đảm bảo cho dạy học và hoạt động còn hạn chế, phương pháp và hình thức đánh giá, động viên kết quả học tập còn lạc hậu, đơn giản, chưa thật sự phát huy hứng thú, tính tích cực, hoạt động thường xuyên của học sinh.

- Môn Âm nhạc:

Một số nội dung chương trình chưa thống nhất theo các cấp học từ thấp đến cao, một số bài học đòi hỏi phải vận dụng một số kiến thức trong khi đó các em chưa được học các kiến thức này. Chương trình THCS có một số nội dung tương đối khó (kiến thức về giọng, hợp âm, dịch giọng trong phân môn nhạc lí). Chương trình còn nặng về lí thuyết, ít nội dung thực hành dẫn đến các bài học khô cứng, kém hiệu quả. Chương trình chưa chú trọng đến việc giáo dục âm nhạc mang tính địa phương và dân ca, số tiết dành cho tự chọn quá ít, sắp xếp và thời điểm chưa hợp lý nên các tiết học dành cho phần địa phương kém hiệu quả.

Đội ngũ giáo viên môn Âm nhạc ở THCS còn thiếu và trình độ chưa đồng đều. Một yêu cầu quan trọng đối với GV âm nhạc là phải giỏi về năng lực âm nhạc, phải biết đàn, biết hát và có nghiệp vụ sư phạm, bởi có như vậy thì dễ thu hút được HS, dễ gây dựng phong trào văn nghệ và dễ tổ chức dạy học. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều GV âm nhạc không đáp ứng được yêu cầu này. Một số trường vẫn phải phân công giáo viên các môn khác sang dạy âm nhạc.   

- Môn Mĩ thuật:

Chương trình môn Mĩ thuật chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục thẩm mĩ, nó gần giống như chương trình của một trường đào tạo chuyên nghiệp về mĩ thuật, các bài học ít có sự liên kết với nhau, thiên về dạy các kĩ thuật, các kĩ năng vẽ mà chưa chú trọng đến nội dung giáo dục thẩm mĩ, giáo dục kĩ năng sống, phát triển năng lực cảm thụ, chính điều này đã làm hạn chế sự sáng tạo, sự phát triển năng lực cá nhân của học sinh. Các bài học bị tách rời, ít có sự liên kết, tích hợp dẫn đến việc hạn chế sự sáng tạo, sự phát triển năng lực cá nhân ở mỗi học sinh cần thể hiện ở mỗi bài học.

Do được đào tạo nhanh, đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng giáo viên không đồng đều, hầu hết các giáo viên mĩ thuật đều yếu về phương pháp dạy học, thường làm cho bài học nặng nề, thiếu sinh động, không chú ý phát huy tính sáng tạo của học sinh, không quán triệt được nhiệm vụ giáo dục kĩ năng sống qua bộ môn mĩ thuật.

- Môn Thể dục:

Tương tự như hai môn Âm nhạc và Mĩ thuật, nội dung chương trình môn Thể dục còn thiên về kĩ thuật, yêu cầu về thành tích (ví dụ các nội dung kĩ thuật đá cầu, nhảy cao, nhảy xa, các môn bóng và bài thể dục) nên nhiều giờ học bị nặng nề, khó khăn cho nhóm HS  sức khỏe yếu.

Việc bồi dưỡng kiến thức cho học sinh gặp nhiều khó khăn vì chưa có SGK. Một số trường thiếu cơ sở vật chất, sân tập dẫn đến việc thực hiện một số phân môn còn mang tính hình thức, GV ngại sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học, không biết khai thác và sử dụng có hiệu quả các phương tiện sẵn có, thậm chí đã dạy "chay".

II- Khuyến nghị của hội thảo về định hướng và giải pháp đổi mới giáo dục âm nhạc, mĩ thuật và thể chất

1. Về nội dung và hình thức tổ chức dạy học – giáo dục

Xu hướng chung của các chương trình giáo dục trên thế giới hiện nay là hướng tới phát triển các tiềm năng trở thành các năng lực thực sự của từng em học sinh; học tập phải trở thành nhu cầu và hoạt động thường xuyên, học tập suốt đời. Phù hợp với xu thế đó, việc dạy học – giáo dục nghệ thuật, thể chất phải trang bị cho học sinh những hiểu biết và kĩ năng cơ bản nhất; mặt khác, quan trọng hơn lại là bồi dưỡng, phát huy niềm say mê, hứng thú của các em đối với hoạt động nghệ thuật, rèn luyện sức khỏe, đạo đức và kĩ năng sống, cảm thụ được cái đẹp của con người, của cuộc sống tự nhiên và xã hội, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu phù hợp với đặc điểm thể trạng và tâm lí của từng em học sinh, góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình và cá nhân, đời sống tươi đẹp của nhà trường, cộng đồng và của toàn xã hội. Muốn vậy, cần xây dựng nội dung dạy học bắt buộc đối với các kiến thức, kĩ năng cơ bản nhất ở các cấp tiểu học và trung học cơ sở, nội dung học và hoạt động tự chọn ở các cấp học – trong đó có cả cấp trung học phổ thông.

Mục tiêu dạy học - giáo dục âm nhạc, mĩ thuật và thể chất ở trung học phổ thông cũng góp phần đáp ứng nhu cầu của học sinh yêu thích và có năng khiếu để các em đó có điều kiện tiếp tục học tập ở các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành. Các lĩnh vực giáo dục đa dạng này phải cân đối giữa các bài học và các hoạt động thực tiễn trong nhà trường và ngoài xã hội. Thông qua các hoạt động này mà nhà trường tích cực tham gia vào đời sống của cộng đồng dân cư. Mặt khác, các nhà trường phải tranh thủ được sự quan tâm, hỗ trợ của các lực lượng xã hội, nhất là ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch, của Đoàn TNCSHCM, coi trọng việc phát huy các giá trị giáo dục vô giá của các di sản vật thể, phi vật thể, các di tích văn hóa – lịch sử và các di tích tự nhiên rất đa dạng, mang bản sắc riêng trên mọi miền đất nước.

Cần nghiên cứu sâu thêm về kết cấu nội dung kiến thức, rèn luyện kĩ năng theo các phân môn hay theo chủ đề để tạo được tính đồng bộ, thống nhất của cả chương trình. Trên cơ sở của CT, biên soạn SGK và các tài liệu hướng dẫn theo hướng mở để các địa phương, vùng miền thực hiện.

2. Về kiểm tra đánh giá

Trình độ và kết quả các hoạt động nghệ thuật, thể thao phụ thuộc rất nhiều vào năng khiếu cá nhân khác nhau. Do vậy việc đánh giá kết quả học tập không nên coi trọng hình thức chấm điểm mà cần chú ý hình thức nhận xét, động viên sự cố gắng và tiến bộ, khuyến khích các sáng tạo và năng khiếu riêng của từng học sinh, trên cơ sở đó mà xếp loại mức độ hoàn thành mục tiêu giáo dục phù hợp. Cần coi trọng hơn hoạt động đánh giá trong suốt quá trình học tập và hoạt động của học sinh để góp phần bồi dưỡng hứng thú và động cơ học tập đúng đắn.

3. Về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

Cần cải tiến công tác tuyển sinh để sinh viên sư phạm phải là những người thật sự có năng khiếu về các bộ môn tương ứng. Phải đào tạo được các giáo viên vừa có năng lực dạy học, vừa có năng lực tổ chức, hướng dẫn các hoạt động tập thể về nghệ thuật, thể thao trong nhà trường và ở các địa phương; có năng lực áp dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực học tập và hoạt động của học sinh. Cần tăng cường nội dung đào tạo, rèn luyện năng lực sư phạm trong quá trình đào tạo.

Cần xây dựng chuẩn năng lực của các loại hình giáo viên giáo dục âm nhạc, giáo dục mĩ thuật, giáo dục thể chất dựa trên chuẩn nghề nghiệp giáo viên của từng cấp học và đặc thù của bộ môn. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải đáp ứng theo chuẩn năng lực giáo viên bộ môn.

Trên đây là kết quả Hội thảo khoa học quốc gia về giáo dục âm nhạc, mĩ thuật và thể chất ở trường phổ thông Việt Nam. Bộ GDĐT thông báo đến các Sở GDĐT, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT để biết và nghiên cứu vận dụng trong triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo hiện nay, hướng tới việc xây dựng và triển khai thực hiện CT, SGK mới giai đoạn sau năm 2015.

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp);
- Các Sở GDĐT; các cơ sở đào tạo, bồi
 dưỡng giáo viên phổ thông (để thực hiện);
- Các đơn vị liên quan (để thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ GDTrH.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

Nguyễn Vinh Hiển

 

 

Từ khóa:

n/a

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Rss Feed



Ảnh đẹp

video



Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 98
  • Tháng hiện tại: 98
  • Tổng lượt truy cập: 5622720

Chuyên Mục

Sở hữu và quản lý Website: Lê Anh Tuấn (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo)