Một số nhạc sĩ sáng tác ca khúc thiếu nhi ở Việt Nam

Đăng lúc: Thứ sáu - 12/08/2011 15:31
Một số nhạc sĩ sáng tác ca khúc thiếu nhi ở Việt Nam

Một số nhạc sĩ sáng tác ca khúc thiếu nhi ở Việt Nam

Một số nhạc sĩ sáng tác ca khúc thiếu nhi ở Việt Nam

(Thứ tự các nhạc sĩ được xếp theo năm sinh)

Văn Chung

Nhạc sĩ Văn Chung

              Tên khai sinh của ông là Mai Văn Chung, sinh ngày 20-6-1914, quê ở Phù Tiên, Hưng Yên. Ông mất ngày 27-8-1984 tại Hà Nội.

              Nhạc sĩ Văn Chung thuộc thế hệ đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Ông đã tham gia đoàn kịch Anh Vũ cùng với những nghệ sĩ nổi tiếng: Thế Lữ, Song Kim, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Xuân Khoát, … Cách mạng tháng Tám thành công, ông công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông lên chiến khu Việt Bắc, hoạt động văn hóa văn nghệ. Năm 1954, ông về Ban nghiên cứu Nhạc Vũ Trung ương. Năm 1964, ông là giám đốc Nhà hát Giao hưởng- Hợp xướng- Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật, đến năm 2012, ông lại được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật.

             Các em nhỏ rất yêu thích các bài Lỳ và Sáo (1947), Lượn tròn lượn khéo (1959)… do Văn Chung sáng tác. Năm 1947 nghe tin con gái nhỏ bị chết trong một trận ném bom của địch, ông rất đau xót, nhớ lại lúc dạy con tập đếm “một ông sao sáng, hai ông sáng sao…”. Và hôm đó ông viết bài Đếm sao, trở thành bài hát nổi tiếng.

             Nhạc sĩ Văn Chung có nhiều sáng tác thành công về đề tài nông thôn, cuộc sống của làng quê kháng chiến, ông cũng là tác giả của những bài hát hay cho thiếu nhi. Những tác phẩm tiêu biểu của ông là: Đếm sao, Lỳ và Sáo, Pi noọng ơi, Quê tôi giải phóng, Hò dân cày, Gái thôn Đoài- trai thôn Thượng, Tính hẹn cùng Tình, Lượn tròn lượn khéo, Từng bước đi vững chắc, Ba cô gái đảm,

 

Xuân Giao

Nhạc sĩ Xuân Giao             

              Tên khai sinh của ông là Trương Xuân Giao, sinh ngày 2-1-1932, quê tại Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên.

              Nhạc sĩ Xuân Giao là một trong những người có nhiều ca khúc nổi tiếng một thời, luôn bám sát thực tế, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông đi bộ đội từ năm 1950, nhiều năm công tác trong Đoàn Văn công Quân đội. Ông đã khai thác chất liệu dân ca để tạo nên những tác phẩm âm nhạc đa dạng, gây ấn tượng sâu sắc và được mọi người yêu mến. Tiêu biểu như: Cô gái mở đường, Chào sông Mã anh hùng, Giữ biển trời Quảng Bình- Vĩnh Linh, Hát về thành phố tương lai, Một vùng lúa quê em, Bình minh Hạ Long, Đất mỏ anh hùng, Suối đàn Côn Sơn, … Một số bài hát thiếu nhi của ông cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ, như: Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, Cháu yêu bà, Múa cho mẹ xem, …

 

Phan Trần Bảng

               Nhạc sĩ Phan Trần Bảng sinh ngày 1-9-1933, quê ở Đức Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là nghiên cứu viên môn Âm nhạc, phòng Nghệ thuật, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

             Nhạc sĩ Phan Trần Bảng tham gia văn nghệ từ nhỏ, tự học và sáng tác âm nhạc từ khi còn ít tuổi. Từ 1950, ông tham gia sáng tác thuộc chi hội Văn nghệ Liên khu 4. Từ 1960, ông giảng dạy âm nhạc cho lớp Sư phạm Nhạc Họa. Từ 1962, ông làm công tác âm nhạc tại trường Trung cấp sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và trường Đại học Bách Khoa. Từ 1972 đến 1993, ông là nghiên cứu viên môn Âm nhạc, tổ trưởng bộ môn giáo dục Nghệ thuật, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

           Nhạc sĩ Phan Trần Bảng viết nhiều cho thiếu nhi, những bài hát của ông được phổ biến rộng rãi như: Trường em xinh làng em đẹp, Bài ca đi học, Nghé ơi, Cái bống, Mùa sim chín, Cộc cách tùng cheng, …

 

Trần Viết Bính

          

Nhạc sĩ Trần Viết Bính

             Nhạc sĩ Trần Viết Bính sinh ngày 7-12-1934, quê ở thành phố Thái Bình.

             Ông bắt đầu hoạt động văn nghệ từ năm 1954 tại Nam Định, từng xây dựng các nhóm hoạt động âm nhạc (như nhóm văn nghệ Thanh thiếu niên thành phố Nam Định, Đội ca Vàng Anh) và tham gia đào tạo các diễn viên văn công tại trường Văn hóa- Nghệ thuật. Năm 1981, ông chuyển vào công tác tại Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Đồng Nai.

             Nhạc sĩ Trần Viết Bính sáng tác nhiều ca khúc, nhạc múa, ông cũng là nhạc sĩ gắn bó với thiếu nhi. Bài hát Hạt gạo làng ta (thơ Trần Đăng Khoa) của ông là bài hát nổi tiếng, được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Các tác phẩm đáng chú ý là: Dòng sông, Người bạn thiếu niên miền Nam anh hùng, Em ngoan, Hạt gạo làng ta, Lời thề quyết chiến, …

 

Việt Anh

            Nhạc sĩ Việt Anh tên thật là Đặng Trí Dũng, sinh năm 1936, quê ở Thanh Oai, Hà Nội.

            Nhạc sĩ Việt Anh nguyên là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông viết nhiều ca khúc thiếu nhi từ những năm 1960, đặc biệt là cho lứa tuổi nhi đồng, mẫu giáo. Ngoài ra, ông còn đặt lời mới cho dân ca và các ca khúc nước ngoài. Nhiều bài hát của ông được phổ biến rộng rãi như: Hò kéo gỗ, Đuổi chim, Chiến sĩ tí hon (đặt lời), Thật đáng chê (đặt lời), Cưỡi ngựa tre, Ông trăng tròn, Vào rừng hoa, Tìm bạn thân, …

 

Duy Quang

             Nhạc sĩ Duy Quang sinh ngày 12-5-1940, quê ở Hà Nội. Ông công tác tại Vụ Văn hóa quần chúng, thuộc Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch.

             Nhạc sĩ Duy Quang tham gia hoạt động âm nhạc từ thời học sinh phổ thông. Học âm nhạc khoa Sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam, khóa 1957-1961. Sau công tác tại Đoàn Ca múa Tuyên Quang. Học tiếp Đại học Sáng tác khoa tại chức 3 năm tại Nhạc viện Hà Nội. Ông là một trong những người có công xây dựng phong trào ca hát quần chúng ở Hà Nội. Ông đã viết nhiều tác phẩm và dàn dựng nhiều chương trình cho các đơn vị nghệ thuật quần chúng, các đội hợp xướng thiếu nhi.

           Một số tác phẩm tiêu biểu của Duy Quang: Hát lên tuổi xuân ơi, Lê-nin với bản Appassionata, Tấm lòng trẻ thơ, Hoa Tràng An, Cánh diều đỏ thắm, Thầy cô và mái trường, Bóng hồng bóng xanh, …

 

Nghiêm Bá Hồng

              Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng sinh ngày 13-10-1943, quê ở Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội. Ông tham gia công tác trong ngành giáo dục Hà Tây từ năm 1963, tốt nghiệp khoa Sáng tác Nhạc viện Hà Nội và đã kinh qua nhiều vị trí công tác như: Báo “Nông dân Việt Nam”, Nhà xuất bản Âm nhạc, Cục Văn hóa Thông tin cơ sở (Bộ Văn hóa Thông tin), Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam.

              Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng là một cây bút viết nhiều cho thiếu niên, với các bài quen thuộc như: Thật đáng yêu, Mùa xuân, Em đi trong nắng mùa thu, Lời chào của em, Mẹ, Cơn mưa đằng đông, Mèo con và chuột nhắt. Ngoài ra ông còn viết một số ca khúc người lớn như: Tiếng hát từ những cánh rừng, Kỷ niệm Trường Sơn, Vĩnh Phúc yêu thương, …

 

Trần Ngọc

               Tên khai sinh của ông là Trần Thông Ngọc, sinh ngày 21-2-1944, quê ở Sơn Tây, Hà Nội.

              Nhạc sĩ Trần Ngọc trưởng thành từ phong trào âm nhạc Thủ đô, tốt nghiệp trường Âm nhạc Việt Nam, tốt nghiệp khoa Sáng tác, Chỉ huy của trường Nghệ thuật Sân khấu. Ông từng công tác ở các đoàn Văn công Yên Bái, Đoàn Chèo Hà Nội, rồi công tác ở Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Nhạc sĩ Trần Ngọc đã sáng tác một số ca khúc, trong đó có nhiều bài được phổ biến rộng rãi như: Em như chim câu trắng, Em mong mùa xuân đến, Vũ trụ xanh, Con là hoa của mẹ, Em như ngôi sao mai, Hoàng hôn tím, Màu xanh hòa bình, …

 

Lê Minh Châu

                Nhạc sĩ Lê Minh Châu sinh ngày 20-8-1944, quê ở Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội. Nguyên là nghiên cứu viên môn Âm nhạc, phòng Nghệ thuật, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

              Nhạc sĩ Lê Minh Châu tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội năm 1980. Ông đã viết một số tác phẩm khí nhạc như: Biển chiều, Đất quê hương, Cảm xúc sông Đà . Ông có trên 20 ca khúc thiếu nhi, tiêu biểu là: Quả địa cầu, Bàn tay của mẹ, Em đi bên Hồ Gươm, Dàn đồng ca mùa hạ (thơ Nguyễn Minh Nguyên), … Bài Dàn đồng ca mùa hạ là 1 trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỉ 20.

Từ trái sang: nhạc sĩ Lê Minh Châu, Bùi Anh Tú, Hoàng Lân,

Lê Đình Triển, Hàn Ngọc Bích, Lê Anh Tuấn

 

Cao Minh Khanh

                Nhạc sĩ Cao Minh Khanh sinh ngày 11-8-1945, quê ở Hà Nội. Nguyên là chuyên viên chỉ đạo bộ môn Âm nhạc và văn hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

               Nhạc sĩ Cao Minh Khanh say mê âm nhạc từ nhỏ, đã gắn bó với các hoạt động âm nhạc, như sáng tác, biểu diễn và giáo dục âm nhạc. Ông tốt nghiệp khoa Văn tại Đại học Sư phạm Hà Nội, đã từng đi dạy học nhiều năm ở Lạng Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

            Những sáng tác âm nhạc tiêu biểu của nhạc sĩ Cao Minh Khanh là viết cho thiếu nhi, đó là: Mùa xuân tình bạn, Bên nhau ngày vui, Hoa bằng lăng tím, Bâng khuân tuổi hồng, Chiều thu nhớ trường, … Bài Mùa xuân tình bạn là 1 trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỉ 20.

 

Vũ Trọng Tường

              Nhạc sĩ Vũ Trọng Tường sinh ngày 4-9-1946, quê ở thành phố Hải Dương. Ông hoạt động trong ngành giáo dục từ 1974 đến 1994, từ 1994, chuyển công tác về Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sở trường của ông là viết ca khúc cho thiếu nhi và nhiều đối tượng với các đề tài khác.

            Các tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Vũ Trọng Tường là: Mùa thu ngày khai trường, Cây bàng mùa hạ, Hạt nắng sân trường, Hạ Long đêm trăng, Khi Hà Nội vào thu, Trường Sa chiều biển nhớ, Chợ núi, Tình yêu Pô-na-ga, Chơi đu, …

 

Hà Hải

             Tên khai sinh là Nguyễn Quang Hải, sinh ngày 13-1-1951, quê tại Thường Tín, Hà Nội, công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

             Nhạc sĩ Hà Hải đã có nhiều năm làm Tổng phụ trách Đội và dạy Thể dục tại trường THCS Mỹ Đình, Từ Liêm từ 1972 đến 1988, dạy Âm nhạc tại trường THCS Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ 1988 đến 1997. Ông tốt nghiệp đại học tại chức chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội năm 1997.

             Nhạc sĩ Hà Hải có nhiều ca khúc thiếu nhi được các em yêu thích: Cá vàng bơi, Hoa thơm dâng Bác, Năm cánh sao vui (thơ Phong Thu), Vì sao chim hay hót, Hát cùng chú bộ đội, ... Bài Hoa thơm dâng Bác được bình chọn là 1 trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỉ 20.

 

Đỗ Hoà An

             Tên khai sinh là Đỗ Văn Đồng, sinh ngày 13-6-1951, quê ở Phú Thọ, công tác tại trường Cao đẳng Văn hoá- Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long, Quảng Ninh.

            Nhạc sĩ Đỗ Hoà An đã từng công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh (từ 1971), dạy nhạc tại Cung Văn hoá thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh (từ 1991), tốt nghiệp đại học tại chức chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (2005).

            Nhạc sĩ Đỗ Hoà An viết nhiều tác phẩm thanh nhạc, tiêu biểu là các ca khúc: Quê em, Hoa xương rồng, Cõi thiêng; các ca khúc thiếu nhi: Khúc hát chim sơn ca, Thuyền giấy, Bánh đa, Thả diều vào ngày mai, hợp xướng Chào thiên niên kỉ, Bác Hồ với vùng than, …

 

Nguyễn Ngọc Thiện

            Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện sinh ngày 20-11-1951 tại Sài Gòn, là bác sĩ nha khoa. Ông đã tốt nghiệp Đại học Sáng tác (hệ tại chức) Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.

            Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện sáng tác âm nhạc từ thời sinh viên, nhưng sau giải phóng 1975, tên tuổi ông mới được biết đến rộng rãi trong giới trẻ yêu âm nhạc. Những ca khúc Nguyễn Ngọc Thiện trữ tình và trẻ trung, thiên về đề tài tình yêu và tuổi trẻ. Một số ca khúc đáng chú ý: Ơi cuộc sống mến thương, Này người yêu nhỏ xinh, Nắng xuân, Người mẹ, Ngọn lửa trái tim, Người yêu nhé, Cô bé dỗi hờn, Thôi em hãy về, Mùa xuân ơi!, Ngày đầu tiên đi học, …

 

Hình Phước Liên

            Nhạc sĩ Hình Phước Liên sinh ngày 19-1-1954 tại Ninh Hoà, Khánh Hoà. Sáng tác âm nhạc từ 1972, đã viết nhiều ca khúc cho người lớn và thiếu nhi. Ông cũng viết nhạc nền cho nhiều vở diễn trên sân khấu, nhạc múa. Nhiều ca khúc của ông được được phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình.

            Nhạc sĩ Hình Phước Liên có những ca khúc quen biết như Cây đàn guitare của Lorca, Đêm qua đò nhớ Trương Chi, Em bé Hiroshima và một số ca khúc thiếu nhi như: Với biển mùa hè, Năm 2000 của chúng em, Ngày mai lên sao Kim (thơ Phùng Ngọc Hùng), Nắng vàng trên tháp cổ, Ngôi nhà của chúng ta, …

 

Nguyễn Huy Hùng

             Nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng sinh ngày 12-7-1954, quê ở Đại Lộc, Quảng Nam. Còn có bút danh Uyên Phương, là nhạc sĩ sáng tác, công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam.

            Năm 1970-1975, nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng theo học trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế. Năm 1975-2007, làm công tác báo chí, phát thanh và truyền hình. Ông viết nhiều ca khúc được phổ biến và giới thiệu trên các phương tiện truyền thông của địa phương. Ca khúc của ông mang đậm chất dân ca, được nhiều người yêu thích, trong đó có một số tác phẩm viết cho thiếu niên, nhi đồng: Niềm vui của em, Bên núi Ngũ Hành em hát, Tiếng hát bên dòng sông, Trà Mi quê em

 

Khánh Vinh

             Tên khai sinh là Nguyễn Khánh Vinh, sinh ngày 1-10-1954 tại xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Tây. Hiện là trưởng phòng Văn nghệ Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

            Nhạc sĩ Khánh Vinh là tác giả những ca khúc: Tình yêu của em, Hỡi Nurisa, Huyền thoại Lang Bian, Lời tỏ tình năm mới và viết một số nhạc cho phim Nàng Hương, Vòng hoa Chăm-pây, Hồn biển. Ông viết nhiều nhạc thiếu nhi, các ca khúc của ông được các em yêu thích như: Tia nắng, hạt mưa, Con cào cào, Ai dậy sớm, Đu quay ngày hè, Hoa Ti-gôn, Yêu mẹ yêu cô, …

 

Phạm Đăng Khương

               Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương sinh ngày 13-5-1957, quê ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, hiện làm việc tại Nhà Văn hóa Thanh niên, thành phố Hồ Chí Minh.

               Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đã qua các lớp đào tạo khoa Toán trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (1976-1980), Đại học Sáng tác Nhạc viện Hà Nội (1983-1988). Ông có nhiều hoạt động đóng góp cho phong trào văn nghệ quần chúng ở các mặt: sáng tác, dàn dựng, biên tập chương trình và tổ chức nhiều đêm nhạc của nhiều nhạc sĩ. Ca khúc tiêu biểu của Phạm Đăng Khương là: Như cơn gió vô tình, Khung trời mơ ước, Con đường tới trường, Nhớ ai, Ngọn nến, Nhớ nụ hôn cao nguyên, Vầng trăng cổ tích, …

 

Nguyễn Hải

             Tên khai sinh là Nguyễn Văn Hải, sinh ngày 15-1-1958, quê ở Đồng Hới, Quảng Bình.

            Nhạc sĩ Nguyễn Hải tốt nghiệp trường Âm nhạc Huế năm 1980, tốt nghiệp đại học Sáng tác Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh năm 1992, từ đó về làm giảng viên trường Cao đẳng Văn hoá- Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Là tác giả giao hưởng thơ Đất mẹ, Đất chín rồng, tổ khúc Bay lên cùng dáng rồng, ca khúc Hành khúc công nhân Việt Nam, Mãi xanh tình bạn. Về ca khúc thiếu nhi, ông có: Khúc ca bốn mùa, Tình mẹ, …

 

Lê Quốc Thắng

                 Nhạc sĩ Lê Quốc Thắng sinh ngày 7-9-1962 tại Trà Vinh, hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, còn có bút danh là Nguyên Thanh.

                Nhạc sĩ Lê Quốc Thắng tốt nghiệp cử nhân Luật, tốt nghiệp Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành sáng tác âm nhạc. Âm nhạc của Lê Quốc Thắng nhẹ nhàng, trong sáng, một số tác phẩm chính: Phố xa, Tình xanh, Búp bê bằng bông, Nụ cười hồng, Mái trường mến yêu, Thương con mẹ yêu, Sinh nhật hồng…

Bài hát Khúc hát chim sơn ca

 

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

Avata
Vũ Nho - Đăng lúc: 13/01/2012 13:20
Chào nhạc sĩ Bùi Anh Tú!
Hôm nọ đi lang thang trên mạng, vào một Blog, có thấy bài hát của Bùi Anh Tú và Bùi Anh Tôn, phổ thơ Nguyễn Trọng Hoàn. Chúc mừng Bùi Anh Tú nha!
Avata
Đỗ Thụy - Đăng lúc: 21/05/2015 19:23
Chào nhạc sĩ Bùi Anh Tú! Hôm nọ đi lang thang trên mạng, vào một Blog, có thấy bài hát của Bùi Anh Tú và Bùi Anh Tôn, phổ thơ Nguyễn Trọng Hoàn. Chúc mừng Bùi Anh Tú nha!

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Rss Feed



Ảnh đẹp

video



Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 2
  • Tháng hiện tại: 9805
  • Tổng lượt truy cập: 5520632

Chuyên Mục

Sở hữu và quản lý Website: Lê Anh Tuấn (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo)