Phương pháp dạy hát ở tiểu học và trung học cơ sở

Đăng lúc: Thứ bảy - 04/02/2017 16:22 - Người đăng bài viết: anhtuan
Phương pháp dạy hát ở tiểu học và trung học cơ sở

Phương pháp dạy hát ở tiểu học và trung học cơ sở

Dạy hát nhằm phát triển năng lực âm nhạc của học sinh, giúp các em hát đúng giai điệu và lời ca, biết cách hát tự nhiên, biết lấy hơi, hát rõ lời và thể hiện được sắc thái, tình cảm của bài hát ...

1. Đặc điểm bài hát ở Tiểu học và Trung học cơ sở

Học hát là nội dung đặc trưng của môn Âm nhạc, nội dung này được triển khai từ lớp 1 đến lớp 9. Số lượng bài hát chính thức ở Tiểu học là 55 bài, ở Trung học cơ sở là 28 bài, từ lớp 1 đến lớp 9, học sinh sẽ học tổng số 83 bài hát.

Có ba dạng bài hát được dạy cho học sinh phổ thông là bài hát thiếu nhi Việt Nam, dân ca Việt Nam và bài hát nước ngoài (ngoài ra, còn 1 bài hát nghi lễ là Quốc ca Việt Nam). Những bài được chọn phong phú về nội dung và có các thể loại như: hành khúc, sinh hoạt, vui chơi, lao động, trữ tình… Cấu trúc các bài hát cũng tương đối đa dạng, từ một đoạn, hai đoạn đến ba đoạn đơn.

2. Mục tiêu của học hát

Học sinh học hát là tiếp xúc với âm nhạc có lời. Mỗi bài hát là một cảm xúc riêng, có nội dung cụ thể về sự vật, hiện tượng, được diễn tả bằng âm nhạc và ngôn ngữ văn học. Mỗi bài hát dạy trong một tiết (Tiểu học là 35 phút, Trung học cơ sở là 45 phút), sau đó được ôn tập trong một vài tiết tiếp theo. Dạy hát nhằm đạt được các mục tiêu sau.

- Mục tiêu về kiến thức: Dạy hát nhằm phát triển năng lực nhận thức của học sinh, học mỗi bài hát giúp các em biết thêm về một nội dung, về tác giả hoặc đặc điểm riêng của bài hát. Sự phong phú về mặt chủ đề của bài hát giúp học sinh thêm hiểu biết về cuộc sống. Các hình tượng âm nhạc cũng giúp nâng cao khả năng nhận thức và hiểu biết của các em. Bên cạnh đó, dạy hát còn phát triển năng lực ngôn ngữ, lời ca làm vốn ngôn ngữ của học sinh trở nên phong phú và sinh động hơn.

- Mục tiêu về kĩ năng (đây là mục tiêu trọng tâm): Dạy hát nhằm phát triển năng lực âm nhạc của học sinh, giúp các em hát đúng giai điệu và lời ca, biết cách hát tự nhiên, biết lấy hơi, hát rõ lời và thể hiện được sắc thái, tình cảm của bài hát. Dạy hát còn giúp học sinh biết trình bày bài hát theo hình thức đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca, biết hát kết hợp các hoạt động như: gõ đệm, vận động theo nhạc, nhảy múa, biểu diễn hoặc trò chơi…

- Mục tiêu về tình cảm và thái độ: Dạy hát nhằm giáo dục học sinh những tình cảm tốt đẹp, cảm nhận được vẻ đẹp của bài hát, để các em thêm yêu thích âm nhạc, có khả năng tham gia ca hát ở trong và ngoài trường học.

Những mục tiêu trên chỉ đạt được khi học sinh trải qua quá trình học tập lâu dài và đúng hướng, nếu chỉ học 1-2 bài hát thì không thể đạt được những điều đó. Vì vậy khi dạy một bài hát cụ thể, giáo viên phải lựa chọn cách diễn đạt mục tiêu ngắn gọn và rõ ràng trong kế hoạch bài học.

3. Quy trình dạy hát

Một số quy trình dạy hát đã được giới thiệu trong các tài liệu khác nhau, có quy trình rút gọn (3-4 bước), có quy trình chi tiết (8-9 bước). Trong thực tế, các giáo viên thường dạy hát theo quy trình có 7 bước với một số điểm lưu ý sau:

Quy trình dạy hát ở

Tiểu học

Quy trình dạy hát ở

Trung học cơ sở

Ghi chú

Giới thiệu bài hát

Giới thiệu bài hát

Giai đoạn khởi động: với mỗi bài hát, giáo viên nên thay đổi trình tự 4 bước cho linh hoạt. Thực hiện 4 bước trong khoảng 1/3 thời gian của tiết học là phù hợp.

Đọc lời ca

Tìm hiểu về bài hát

Nghe hát mẫu

Nghe hát mẫu

Khởi động giọng

Khởi động giọng

Tập hát từng câu

Tập hát từng câu

Giai đoạn trọng tâm: giáo viên cần kết hợp giữa đàn giai điệu và hát mẫu để hướng dẫn học sinh hát đúng giai điệu và lời ca. Thực hiện tập hát từng câu trong khoảng 1/3 thời gian là phù hợp.

Hát cả bài

Hát cả bài

Giai đoạn củng cố: giáo viên cần hướng dẫn học sinh sửa những chỗ hát sai, tập lấy hơi và thể hiện sắc thái, hát kết hợp gõ đệm, hát kết hợp vận động, trình bày bài hát bằng hình thức cá nhân, cặp đôi, nhóm, tổ, ...

Luyện tập, củng cố

Luyện tập, củng cố

4. Kĩ thuật dạy hát

Kĩ thuật dạy hát của các giáo viên rất phong phú và đa dạng, bởi vì năng lực, kinh nghiệm và điều kiện dạy học của mỗi người rất khác biệt. Dưới đây là những kĩ thuật phổ biến, được nhiều giáo viên sử dụng.

Giới thiệu bài hát

Mục tiêu để học sinh biết tên bài hát, tên tác giả, xuất xứ hoặc nội dung bài hát. Lời giới thiệu hay sẽ gợi nên không khí tích cực và hứng thú học hát của học sinh. Giáo viên có thể chọn một trong những cách giới thiệu sau.

Cách thứ nhất là giáo viên thuyết trình, ví dụ: “Nếu ai hỏi, quê hương là gì, các em sẽ trả lời: quê hương em là mái nhà của em, nơi có cha mẹ, nơi em lớn lên, là con đường, hàng cây, ngọn núi, dòng suối mà em thường gặp. Tất cả những gì thân thuộc nhất xung quanh em chính là quê hương. Em yêu quê hương bởi đó là nơi gần gũi, gắn bó và che chở cho em. Hôm nay các em sẽ học bài Quê hương tươi đẹp, bài hát có giai điệu nhẹ nhàng này sẽ nói lên tình cảm của chúng ta với quê hương thân yêu của mình”.

Cách thứ hai, giáo viên đặt câu hỏi để giới thiệu bài hát, ví dụ để giới thiệu về bài Gà gáy: Hãy kể tên những bài hát nói về các con vật mà các em đã học hoặc đã biết? Sau khi học sinh thực hiện yêu cầu, giáo viên giới thiệu: Con gà rất quen thuộc với người dân Việt Nam, tiếng gà gáy “ò ó o” thường báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Hôm nay chúng ta cùng nhau học hát bài Gà gáy, dân ca Cống (Lai Châu) để xem tiếng gà gáy trong bài hát này được mô tả như thế nào nhé.

Cách thứ ba, giáo viên sử dụng tranh ảnh minh họa cho bài hát để học sinh nhận xét về nội dung của chúng, từ đó dẫn dắt vào giới thiệu bài hát.

Với những bài dân ca hoặc bài hát nước ngoài, giáo viên nên dùng bản đồ, tranh ảnh để giới thiệu thêm về vị trí địa lí, thiên nhiên và đời sống con người ở nơi đó. Đôi khi cũng có thể giới thiệu mở rộng tới một số bài hát khác của cùng tác giả, cùng chủ đề hoặc cùng vùng miền, có thể cung cấp cho học sinh những kiến thức văn hoá cần thiết khác. Ví dụ đó là dân ca miền nào, phong tục tập quán, đặc điểm của địa phương đó.

Đọc lời ca (Tiểu học) Tìm hiểu về bài hát (Trung học cơ sở)

Dạy hát ở Tiểu học, đọc lời ca giải quyết 3 nhiệm vụ: học sinh biết bài hát có mấy câu, tập đọc lời ca cho trôi chảy và hiểu ý nghĩa của một số từ khó (nếu có). Với học sinh lớp 1, giáo viên cần đọc mẫu để cả lớp đồng thanh đọc theo. Từ lớp 2, giáo viên nên chỉ định học sinh đọc, có thể hướng dẫn các em vừa đọc lời vừa gõ đệm theo tiết tấu lời ca với những bài hát có tiết tấu đơn giản, lặp đi lặp lại.

Dạy hát ở Trung học cơ sở, tìm hiểu bài hát giúp học sinh hiểu nội dung bài hát, nắm được cấu trúc (chia đoạn, chia câu) và các kí hiệu âm nhạc trong bài. Khi tìm hiểu bài hát, giáo viên thường đặt cho học sinh một số câu hỏi, ví dụ: Bài có thể chia thành mấy đoạn, mỗi đoạn có mấy câu hát? Trong bài có những kí hiệu âm nhạc nào? Lời ca có từ nào các em chưa hiểu ý nghĩa? Lời ca có hình ảnh, ý tứ nào hay?...

Giáo viên cần giải thích ý nghĩa của một số từ khó trong bài hát, đặc biệt là với học sinh Tiểu học, bởi vốn ngôn ngữ của các em chưa thật phong phú. Việc giải thích từ khó nhằm:

- Giúp học sinh hiểu từ đó có nghĩa gì? Chỉ cái gì?

- Tăng thêm kiến thức, hiểu biết cho các em.

- Tạo cho học sinh thói có quen khám phá ý nghĩa của ngôn ngữ.

- Giúp học sinh hiểu nội dung bài, tự tin và thể hiện đúng sắc thái, tình cảm bài hát.

Thực tế dạy học cho thấy, việc chia các câu hát có thể là một trong những vấn đề mà giáo viên hay tranh luận. Có người cho rằng, câu hát phải phân chia đúng theo câu nhạc, như trong môn phân tích tác phẩm (dành cho người học nhạc chuyên nghiệp), có người lại cho rằng, phải phân chia theo ngữ pháp tiếng Việt, tức là đến dấu chấm là hết một câu hát, hai thái cực này đều chưa thỏa đáng.

Hàng triệu học sinh phổ thông (hầu hết là không có năng khiếu âm nhạc), đương nhiên không thể (và cũng không cần) phải hiểu về câu nhạc, tiết nhạc, mô-tip, chủ đề, ... như người học nhạc chuyên nghiệp, vì vậy giáo viên không nên giải thích về câu nhạc. Bởi thế, chúng ta đã dùng thuật ngữ câu hát, để phân biệt với câu nhạc. Bên cạnh đó, cũng không nên chia câu hát theo ngữ pháp tiếng Việt, bởi với những bài hát phổ từ bài thơ 3 tiếng, 4 tiếng, thì sẽ có đến hàng chục câu hát, và nếu dạy hát từng câu như vậy sẽ rất vụn vặt, học sinh sẽ không có hứng thú và không đủ thời gian để tập luyện.

Như vậy, việc phân chia câu hát cần phải linh hoạt, sao cho đảm bảo sự hài hòa, cân đối (các câu hát nên có độ dài tương đương), sao cho phù hợp với điều kiện dạy học: về thời lượng, về khả năng tiếp thu và hứng thú của học sinh. Ngay cả với một giáo viên, khi dạy 1 bài hát cho hai lớp có năng lực khác nhau, cũng có thể thực hiện cách phân chia câu hát khác nhau, ví dụ như bài Tiếng hát bạn bè mình (Nhạc và lời: Lê Hoàng Minh):

Chia bài thành 8 câu hát (học sinh có năng lực trung bình)

Chia bài thành 4 câu hát (học sinh có năng lực khá)

Trong không gian bay bay, một hành tinh thân ái.

Trong không gian bay bay, một hành tinh thân ái. Một lời mẹ ru con bình yên giấc say.

Một lời mẹ ru con bình yên giấc say.

Một đàn chim tung cánh, đón mây trời hiền lành.

Một đàn chim tung cánh, đón mây trời hiền lành. Một chồi non thắm xanh lâu bền lá cành.

Một chồi non thắm xanh lâu bền lá cành.

Bay lên cao lên cao, loài bồ câu trắng tinh.

Bay lên cao lên cao, loài bồ câu trắng tinh. Nghe xôn xao xôn xao, tiếng hát bạn bè mình.

Nghe xôn xao xôn xao, tiếng hát bạn bè mình.

Yêu thương nhau bên nhau, loài người tay nắm tay.

Yêu thương nhau bên nhau, loài người tay nắm tay. Cho em thơ tương lai, ngát xanh hành tinh này.

Cho em thơ tương lai, ngát xanh hành tinh này.

 

Nghe hát mẫu

Mục tiêu để học sinh làm quen với giai điệu và có cảm nhận ban đầu về bài hát.

Giáo viên hát mẫu hoặc mở đĩa nhạc cho học sinh nghe, các em lắng nghe, cảm nhận và kiểm nghiệm những điều đã tìm hiểu ở bước đọc lời ca (hoặc tìm hiểu về bài hát). Có thể coi đây là bước đầu học sinh được tiếp xúc với giai điệu của bài hát, vì vậy sự hấp dẫn của bài sẽ để lại ấn tượng tốt với các em.

Giáo viên cần trình bày bài hát đảm bảo sự chuẩn mực, đem lại đầy đủ cảm xúc và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Với học sinh Tiểu học, giáo viên nên vừa hát vừa kèm theo động tác minh hoạ sẽ làm các em thấy thích thú hơn. Việc hát mẫu cho học sinh nghe có những ưu điểm:

- Giúp học sinh cảm thụ được bài hát một cách đầy đủ, trọn vẹn bởi cách hát của giáo viên gần gũi với các em hơn so với đĩa nhạc.

- Học sinh cảm thấy hào hứng khi được nghe thày cô hát.

- Thể hiện được năng lực âm nhạc và cảm xúc của giáo viên.

Dù có đĩa nhạc, học sinh vẫn thích nghe giọng của chính thầy cô thể hiện bài hát. Khi hát, giáo viên cần chú ý đến giọng hát, cách hát và việc sử dụng nhạc cụ của mình, phải thể hiện được nội dung tình cảm của bài hát, truyền cảm được hồn của tác phẩm tới học sinh. Đĩa nhạc không thể thay thế được tiếng hát của thầy cô vì bài hát do giáo viên trình bày góp phần rất lớn để tạo cảm xúc và sự hấp dẫn cho học sinh, không chỉ tác động tới các em bằng giọng hát, mà còn bằng cả ánh mắt, điệu bộ, bằng sức cảm hoá trực tiếp của tâm hồn mình.

Sau khi nghe hát mẫu, giáo viên nên khuyến khích học sinh nói cảm nhận riêng của mình về bài hát, như: Bài hát có hay không? Có quen thuộc không? Dễ hay khó hát? Bài hát thuộc thể loại hành khúc, sinh hoạt, vui chơi, lao động hay trữ tình? Nhịp điệu của bài nhanh hay chậm? Tính chất bài hát sôi nổi hay tình cảm? Nhẹ nhàng hay tha thiết?...

Khởi động giọng (luyện thanh)

Khởi động giọng giúp học sinh chuẩn bị về tư thế, hơi thở, giọng hát, đồng thời còn luyện tai nghe, luyện cách phát âm và luyện cao độ. Khởi động giọng còn để học sinh thấy rằng, các em được học âm nhạc một cách bài bản.

Trong tiết dạy hát, tốt nhất là giáo viên nên thực hiện các bước hát mẫu, khởi động giọng và tập hát từng câu ở cùng một giọng. Tập hát ở giọng nào thì nên khởi động giọng ở giọng đó, như vậy sẽ có lợi cho tai nghe của học sinh (đây là sự khác biệt với luyện thanh của người học thanh nhạc: luyện thanh thường dùng mẫu âm khó, có chuyển giọng để mở rộng âm vực và nâng cao chất lượng âm thanh, luyện cách hát liền tiếng và ngắt tiếng, ...).

Khởi động giọng đôi khi là vấn đề tạo ra sự tranh luận giữa các giáo viên, về tên gọi và độ khó của mẫu âm. Ở tiểu học thì nên gọi là khởi động giọng, với thời gian thực hiện ngắn, mẫu âm đơn giản, thậm chí có thể cho học sinh hát một bài đã học thay cho việc khởi động. Ở trung học cơ sở, có thể gọi là luyện thanh nếu giáo viên thực hiện bài bản như khi dạy thanh nhạc cho những người chuyên nghiệp.

Khi khởi động giọng, giáo viên cần hướng dẫn học sinh đứng thẳng, tư thế tự nhiên. Giáo viên đàn chuỗi âm ngắn, đơn giản để các em nghe và đọc bằng âm La, Ma, Mô, Mi hoặc nguyên âm A- O- U- I (có thể kết hợp trò chơi, ví dụ học sinh giả làm tiếng gà gáy ò ó o). Với thời gian 1-2 phút, giáo viên chỉ nên dùng một âm hình tiết tấu chung khi khởi động giọng.

Tập hát từng câu

Mục tiêu việc tập hát từng câu là để học sinh hát đúng giai điệu và lời ca từng câu hát; luyện tai nghe và thể hiện đúng những chỗ khó trong bài.

Tập hát từng câu là bước trọng tâm, nó chiếm nhiều thời gian và đòi hỏi học sinh phải cố gắng nhiều nhất. Các bước trước đó (giới thiệu bài hát, tìm hiểu về bài hát, nghe hát mẫu, khởi động giọng) chỉ nhằm dẫn dắt và hỗ trợ cho bước tập hát từng câu. Nếu không hoàn thành bước tập hát từng câu thì việc thực hiện hai bước là hát cả bài và củng cố kiểm tra cũng sẽ không thu được kết quả.

Có bốn công cụ giúp học sinh hát đúng giai điệu và lời ca của từng câu hát, đó là: giáo viên hát mẫu, giáo viên đàn giai điệu, học sinh tập theo đĩa nhạc hoặc nghe các bạn hướng dẫn. Trong đó, phổ biến và hiệu quả nhất là nghe giáo viên đàn giai điệu và hát mẫu. Đôi khi, cũng nên chỉ định học sinh hát mẫu thay giáo viên, nhằm phát huy tính tích cực đồng thời làm môi trường học tập trở nên gần gũi và thân thiện hơn.

Yêu cầu khi dạy hát từng câu là giáo viên phải kết hợp giữa sử dụng nhạc cụ và hát mẫu để hướng dẫn học sinh hát đúng giai điệu, lời ca của từng câu hát. Tuy nhiên, hát mẫu nhiều hay ít, hát mẫu trước hoặc sau khi học sinh tập hát còn phụ thuộc vào năng lực của học sinh và đặc điểm riêng của bài hát như câu hát dài hay ngắn, dễ hay khó, có luyến láy hay không… Giáo viên nên vận dụng nhiều cách làm với những bài hát khác nhau, thậm chí là với những câu hát khác nhau, không nên thực hiện rập khuôn, máy móc. Dưới đây là một cách thực hiện.

Giáo viên đàn giai điệu câu thứ nhất khoảng 2-3 lần để tất cả học sinh lắng nghe và tự hát nhẩm theo, rồi bắt nhịp để các em tập hát vài lần hoà cùng với tiếng đàn. Hoạt động đó vừa giúp học sinh luyện tai nghe vừa phát huy được tính tích cực của các em. Tiếp đó giáo viên chỉ định học sinh hát lại câu vừa tập (với các hình thức như cá nhân, cặp đôi, nhóm, tổ), giáo viên lắng nghe để phát hiện chỗ sai rồi giúp các em sửa lại. Lúc sửa sai, giáo viên nên đàn chậm, hát chậm, nhấn rõ những chỗ sai giúp các em nhận biết được và tập hát cho chính xác. Cần hướng dẫn các em sửa sai ngay từ bước tập hát từng câu, không để đến khi hát cả bài mới sửa, vì lúc đó, học sinh mắc nhiều lỗi, sửa được lỗi này có thể lại mắc lỗi khác. Giáo viên cũng có thể chỉ định những em học giỏi sửa sai cho các bạn.

Giáo viên hướng dẫn học sinh tập câu hát tiếp theo tương tự. Sau khi tập xong 2 câu, giáo viên nên yêu cầu học sinh hát nối (móc xích) 2 câu với nhau. Những bài hát có 4 câu, nên hát nối câu 1-2 rồi câu 3-4, không nên hát nối từ câu 1 đến câu 3, tạo nên cảm giác chênh vênh, thiếu cân đối. Dạy hát từng câu theo lối móc xích có lợi vì: học sinh không quên giai điệu và lời ca, nhớ các câu hát thành hệ thống, hát câu sau sẽ nhớ câu trước, hát không bị sai nhịp.

Nếu trong bài hát có những câu giống nhau về giai điệu, giáo viên nên chỉ định học sinh tự nhận biết và tập hát để phát huy tính tích cực, sau đó có thể giúp các em chỉnh sửa những chỗ cần thiết

Hát cả bài

Bước này giúp học sinh tiếp tục sửa chỗ hát sai (nếu có), hướng dẫn các em biết cách lấy hơi, thể hiện đúng chỗ ngân, nghỉ trong bài và thể hiện sắc thái, tình cảm của bài hát.

Khi thực hiện, giáo viên nên đàn giai điệu cho học sinh nghe và hát nhẩm lại toàn bộ bài hát, giúp các em phát hiện chỗ còn sai và tự sửa chữa. Tiếp đó, giáo viên nên đệm đàn để học sinh hát cả bài một vài lần, sau đó chỉ định cá nhân, cặp đôi, nhóm, tổ hát lại để tiếp tục sửa chỗ còn sai. Giáo viên cần hướng dẫn các em hát đúng nhịp độ, không cuốn nhịp, hướng dẫn cách lấy hơi ở đầu câu hát và thể hiện những chỗ ngân, nghỉ cũng như sắc thái của bài hát. Giáo viên có thể tiếp tục hát mẫu, giúp các em thể hiện cách phát âm tròn tiếng, rõ lời, biết cách ngân giọng, ngắt giọng chuẩn xác. Cần nhắc nhở học sinh không thể hát bằng một giọng đều đều, khô khan, thiếu cảm xúc, hát như vậy sẽ làm các em dần trở nên vô cảm, thờ ơ với vẻ đẹp của nghệ thuật. Cần nhắc học sinh thể hiện những sự rung động, cảm xúc của bài hát sao cho chân thực và tự nhiên, không cường điệu, tránh hát quá nhỏ hoặc gào thét trong khi hát.

Sau khi học sinh đã hát đúng giai điệu và lời ca, giáo viên cần hướng dẫn các em tập hát nhấn vào phách mạnh (phách 1) khi trình bày bài hát. Đây cũng là yêu cầu cần thiết để giúp học sinh thể hiện được sắc thái, tình cảm của bài hát.

Củng cố, kiểm tra

Giúp học sinh biết trình bày bài hát cho sinh động, hấp dẫn; đánh giá kết quả học tập của học sinh, nhấn mạnh nội dung bài hát và giáo dục thái độ.

Giáo viên yêu cầu học sinh nhắc lại nội dung đã học, như: các em đã học gì, nhớ điều gì, yêu thích điều gì? Giáo viên hướng dẫn học sinh trình bày bài hát bằng cách hát đối đáp, hát nối tiếp hoặc lĩnh xướng, trình bày bài hát kết hợp gõ đệm. Giáo viên cần chú ý giáo dục thái độ, giáo dục thẩm mĩ và dặn dò các em tiếp tục tập hát cho thuộc lời ca.

5. Những lỗi cần tránh khi dạy hát

Có nhiều lỗi cần tránh khi dạy hát, tiêu biểu là những lỗi như:

- Dạy sai kiến thức, giáo viên dạy học sinh không đúng nhạc.

- Giáo viên không thuộc bài hát.

- Dạy hát theo lối truyền khẩu, giáo viên hoàn toàn chỉ sử dụng giọng hát, không sử dụng nhạc cụ.

- Xác định giọng không phù hợp, làm học sinh phải hát ở giọng quá cao hoặc quá thấp, giáo viên liên tục thay đổi giọng.

- Phân chia độ dài các câu hát không phù hợp với khả năng của học sinh.

- Xác định không đúng trọng tâm, trình bày lan man về tác giả và tác phẩm, làm bước giới thiệu bài hát vừa rườm rà, vừa mất thời gian. Chỉ nên thực hiện 4 bước (giới thiệu bài hát, tìm hiểu về bài hát, nghe hát mẫu, khởi động giọng) trong khoảng 10-12 phút, nếu kéo dài hơn có thể làm học sinh mất hứng thú học hát.

- Không sửa sai, không yêu cầu học sinh thể hiện sắc thái, tình cảm của bài hát.

- Hướng dẫn học sinh gõ đệm rất kĩ về cách thể hiện phách mạnh, phách nhẹ, trong khi lại không hướng dẫn các em tập hát nhấn vào phách mạnh (phách 1).

- Chưa hoàn thành mục tiêu tiết học mà đã chuyển sang các hoạt động khác. Ví dụ mục tiêu quan trọng của tiết dạy hát là hướng dẫn học sinh hát đúng giai điệu, lời ca. Tuy nhiên, khi mà hầu hết học sinh còn chưa hát đúng giai điệu, nếu giáo viên đã vội hướng dẫn các em tập gõ đệm, vận động, thi đua, trò chơi hoặc biểu diễn.

- Bắt nhịp cho học sinh hát ở một giọng (khi bắt nhịp không dùng đàn), sau đó đệm đàn ở một giọng khác.

- Giáo viên không làm chủ được thời gian, dạy thừa hoặc thiếu nhiều thời gian.

- Tổ chức ôn tập bài hát sơ sài và không hiệu quả.

6. Cách dạy ôn tập bài hát

Học bài hát mới trong một tiết, sẽ vẫn còn nhiều học sinh chưa hát đúng giai điệu, chưa thuộc lời ca, chưa cảm nhận sâu về vẻ đẹp của bài hát, ôn tập bài hát nhằm khắc phục những hạn chế đó.

Mục tiêu tóm tắt của hoạt động ôn tập bài hát nhằm giúp học sinh hát thuộc lời ca, hát đúng hơn, hát hay hơn và yêu thích bài hát hơn. Mục tiêu cụ thể là giúp học sinh củng cố lại kiến thức đã học, luyện tập các kĩ năng trình bày bài hát, giúp học sinh có cảm thụ âm nhạc tốt hơn, tạo các em thêm tự tin, có điều kiện trình bày bài hát đã học, phát huy tính tích cực của học sinh, phát triển tư duy sáng tạo của các em.

Việc ôn tập bài hát không cần thực hiện theo một trình tự nào, tuỳ vào đặc điểm riêng của mỗi bài hát mà giáo viên lựa chọn các hoạt động thích hợp. Tùy vào thời lượng ôn tập, giáo viên có thể chọn một vài hoạt động trong số nhiều hoạt động sau:

- Học sinh nghe lại bài hát đã học để nhớ về giai điệu và lời ca.

- Học sinh nhắc lại tên bài hát, tác giả, nội dung (ở tiểu học nên dùng tranh minh họa).

- Học sinh hát lại bài, giáo viên hướng dẫn các em sửa chỗ sai và thể hiện sắc thái.

- Củng cố giai điệu, tiết tấu: giáo viên đàn một nét nhạc để học sinh nhận biết đó là câu hát nào rồi trình bày lại câu hát đó. Tương tự, giáo viên gõ tiết tấu của một câu hát, học sinh nhận biết đó là tiết tấu của câu hát nào rồi hát câu đó.

- Củng cố lời ca: học sinh bổ sung lời ca vào chỗ trống.

- Hát kết hợp gõ đệm.

- Hát kết hợp vận động theo nhạc hoặc nhảy múa.

- Hát kết hợp đánh nhịp.

- Hát kết hợp trò chơi.

- Thi đua giữa các tổ, nhóm.

- Trình bày bài hát bằng các hình thức: đơn ca, cặp, nhóm, tổ, dãy, học sinh nam, học sinh nữ…

- Luyện tập các cách hát tập thể: hát hoà giọng (đồng ca), hát nối tiếp, hát đối đáp, hát có lĩnh xướng, hát tăng dần số lượng học sinh tham gia, hát bè, hát đuổi. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn học sinh tập trình bày bài hát có sự kết hợp 1-2 cách hát, ví dụ:

Trình bày bài hát bằng cách hát nối tiếp và đồng ca, bài Ngày vui mới (Nhạc và lời: Phan Huỳnh Điểu):

Cách hát

Người hát

Câu hát

Hát nối tiếp

Nhóm 1

Mặt trời ban mai ... tưng bừng

Nhóm 2

Chào mừng bình minh ... lưng trời

Nhóm 3

Rì rào lớp lớp ... dịu hiền

Nhóm 4

Chào ngày vui mới ... đẹp thay

Đồng ca

Nhóm 1, 2, 3, 4

Nắng lên ... sông núi của ta

 

Trình bày bài hát bằng cách hát đối đáp và đồng ca, bài Bài học đầu tiên (Nhạc và lời: Trương Xuân Mẫn):

Hát đối đáp

Học sinh nữ

Thưa thầy ... trên tóc thầy

Học sinh nam

Giọng thầy ... rộng mở

Học sinh nữ

Bài học đầu tiên ... câu ca dao ngọt ngào

Học sinh nam

Bài học đầu tiên ... xây đất nước đẹp giàu

Đồng ca

Cả lớp

Bài học đầu tiên ... không bao giờ em quên

 

Trình bày bài hát bằng cách hát có lĩnh xướng và đồng ca, bài Lá thuyền ước mơ (Nhạc và lời: Thảo Linh):

Cách hát

Người hát

Câu hát

Hát lĩnh xướng

Lĩnh xướng 1

Mời bạn lại đây ... mơ hiền

Lĩnh xướng 2

Là màu xanh lam ... xa nhau

Đồng ca

Cả lớp

Dập dờn sóng nước ... vào đời

 

Trình bày bài hát bằng cách hát tăng dần số lượng học sinh tham gia, bài Em vẫn nhớ trường xưa (Nhạc và lời: Thanh Sơn):

Số học sinh hát

Câu hát

2 HS

Trường làng em… yên lành

4 HS

Nhịp cầu tre… êm đềm

8 HS

Tình quê hương… đến trường

16 HS

Thầy cô em… gia đình

Cả lớp

Tre xanh kia… trường xưa

 

- Biểu diễn bài hát: học sinh hát trước lớp kết hợp gõ đệm hoặc vận động theo nhạc.

- Học sinh tập sáng tác lời hát mới (dân ca hoặc bài hát nước ngoài).

- Học sinh vẽ tranh minh họa cho bài hát.

- Kiểm tra.

Tuỳ thuộc vào nội dung, tính chất của bài hát, thời lượng dạy học, năng lực của học sinh, điều kiện dạy học cụ thể mà giáo viên chọn một vài hoạt động ôn tập cho thích hợp. Các hoạt động ôn tập không nên tách rời mà cần liên kết với nhau sao cho phù hợp, hiệu quả. Ví dụ: kết hợp giữa gõ đệm với luyện tập các cách hát tập thể (hát có lĩnh xướng, hát đối đáp, hát nối tiếp), kết hợp vận động theo nhạc với trình bày bài hát bằng các hình thức khác nhau (đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, tổ, dãy, học sinh nam, học sinh nữ), thi đua giữa các nhóm tổ thể hiện sắc thái bài hát, biểu diễn bài hát kết hợp gõ đệm hoặc vận động theo nhạc… Tuy nhiên những hoạt động đặc trưng nhất mà giáo viên thường dùng khi ôn tập bài hát là hướng dẫn học sinh ôn tập và sửa sai, hát kết hợp gõ đệm, hát kết hợp vận động theo nhạc, tập hát đối đáp, nối tiếp.

Việc ôn tập bài hát đóng vai trò quan trọng để học sinh yêu thích bài hát. Nhiều học sinh thường nói “Thưa cô, em không biết hát ạ”, “Thưa cô, em thấy bài hát này không hay” hoặc “Thưa cô, em không thuộc bài hát này” khi giáo viên yêu cầu các em hát. Một trong những nguyên nhân là do cách tổ chức ôn tập bài hát chưa kĩ và hiệu quả. Chỉ số ít bài hát hấp dẫn được học sinh ngay từ khi các em mới tiếp xúc, còn lại phải qua quá trình ôn tập lâu dài mới làm các em yêu thích bài hát. Dạy Âm nhạc trong trường Trung học ở Mỹ, để biểu diễn một bài hát chỉ trong 3-4 phút, học sinh thường phải luyện tập bài đó trong 3 tháng (bao gồm cả tập hát các bè, hát hợp xướng, kết hợp nhảy múa hoặc trình diễn). Có thể tập luyện kĩ như vậy mới thật sự làm các em cảm nhận được những vẻ đẹp của bài hát.

7. Một số lưu ý khi dạy hát

Những vấn đề cần chuẩn bị và quan tâm

Để thực hiện một tiết dạy hát hay, hấp dẫn và sinh động, ngoài những yếu tố liên quan đến năng lực âm nhạc, giáo viên nên quan tâm đến các vấn đề sau :

Phương tiện dạy học

(Nhạc cụ của giáo viên và học sinh, bản nhạc, tivi, máy nghe, tranh ảnh, giáo án điện tử, …)

Phương pháp dạy học

(Thực hành, luyện tập, làm mẫu, trình diễn, thuyết trình, phát vấn, trực quan, trò chơi, …)

Dạy học bằng đa giác quan

(Học sinh được học bằng thị giác, thính giác, xúc giác, cảm nhận, …)

Kiểm tra, đánh giá

(Giáo viên sử dụng các bài tập thực hành, vấn đáp, trắc nghiệm, bài tập sáng tạo, kết hợp đánh giá của giáo viên và học sinh, …)

 

Dạy hát ở Tiểu học

và Trung học cơ sở

Trạng thái học tập

(Học sinh học với nhiều trạng thái như: ngồi, đứng, vận động tại chỗ, lên bảng trình diễn, đứng quanh giáo viên, …)

Hoạt động kết hợp

(Học sinh vỗ tay, gõ đệm, đánh nhịp, vận động, nhảy múa, trò chơi, biểu diễn, … khi trình bày bài hát)

Kĩ thuật

hát tập thể

(Học sinh tập hát hòa giọng, hát đối đáp, hát nối tiếp, hát có lĩnh xướng, hát bè, hát đuổi, hát liền tiếng, hát ngắt tiếng, tập cách lấy hơi, thể hiện sắc thái, …)

Hình thức học tập

(Học sinh luyện tập và trình bày bài hát theo hình thức cá nhân, cặp đôi, nhóm nhỏ, nhóm lớn, tổ, dãy, học sinh nam, học sinh nữ, cả lớp)

Cách dạy hát cho học sinh lớp 1

- Học sinh lớp 1 chưa học về nốt nhạc nên khi dạy bài hát, giáo viên không cần giới thiệu về bản nhạc, mà chỉ cần giới thiệu lời ca. Bản nhạc chỉ để dành cho giáo viên khi luyện tập đàn và hát.

- Kĩ năng tập đọc tiếng Việt của học sinh lớp 1 còn chưa tốt (đặc biệt là trong học kì I), giáo viên cần hướng dẫn các em đọc lời của bài hát cho trôi chảy, đồng thời cần giải thích ý nghĩa một số từ khó trong bài hát.

- Khi hướng dẫn học sinh gõ đệm cần lưu ý: chỉ sử dụng 1 cách gõ đệm trong mỗi lần trình bày bài hát.

- Trong bước tập hát từng câu, giáo viên cần kết hợp giữa hát mẫu và sử dụng nhạc cụ để hướng dẫn học sinh hát đúng giai điệu, lời ca của bài hát.

- Thường xuyên uốn nắn cho học sinh về cách hát, tư thế hát để bảo vệ sức khoẻ và giọng hát của các em.

- Trong tiết học hát, giáo viên cần tổ chức cho học sinh học tập đa dạng về trạng thái (ngồi hát, đứng hát, vận động), đa dạng về hình thức (cá nhân, cặp, nhóm, tổ, dãy, cả lớp), đa dạng về hoạt động (nghe, nhìn, gõ đệm, đánh nhịp, cảm nhận, trả lời, đánh giá…).

Cách dạy bài dân ca

Về khái quát thì dạy bài dân ca ở Tiểu học và Trung học cơ sở cũng tương tự như việc dạy bài hát thiếu nhi hoặc bài hát nhạc nước ngoài. Tuy nhiên, đi sâu vào kĩ thuật thì có một số điểm cần lưu ý:

Qui trình

Những điểm cần lưu ý

Giới thiệu bài hát

Giáo viên nên dùng bản đồ để giới thiệu vị trí địa lí, dùng tranh ảnh để giới thiệu về sinh hoạt văn hoá, sinh hoạt cộng đồng, về phong cảnh các vùng miền. Cần giới thiệu về xuất xứ và nét đặc trưng của bài dân ca (thang âm, các từ đệm, trang phục, động tác múa…) sao cho phù hợp với sự tiếp thu của học sinh, cũng có thể giới thiệu sơ lược về nhạc cụ dân tộc của vùng miền dân ca đó.

Tìm hiểu bài hát

Giáo viên chia các câu hát trong bài dân ca phải hết sức linh hoạt, có thể có câu hát dài, có câu hát ngắn vì bài dân ca Việt Nam thường được xây dựng từ thơ lục bát, lời ca đệm thêm bằng những hư từ nên cấu trúc không cân đối.

Giáo viên cần giải thích cho học sinh hiểu về những từ khó trong bài dân ca, ví dụ: Xoè hoa là múa hoa, Lí cây xanh là khúc hát ngắn về cây xanh, Bắc kim thang là lời bài đồng dao (bản thân từ này không có nghĩa gì), dĩa bánh bò (trong bài Lí dĩa bánh bò) nghĩa là đĩa bánh bò, chẻ tre đan xịa (trong bài Hò ba lí) nghĩa là chẻ tre để đan cái nong, nia, Cò lả diễn tả cánh cò bay chập chờn (con cò cũng là hình tượng người nông dân Việt Nam), bài Cò lả hình thành từ câu ca dao:

Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng

Trời sinh, mẹ đẻ tay không

Cho nên bay khắp tây đông kiếm mồi

Trước là nuôi cái thân tôi

Sau nuôi bọn trẻ nên đời cò con.

Nghe hát mẫu

Nếu có điều kiện, giáo viên nên cho học sinh nghe và xem băng đĩa hình, để các em biết về trang phục và động tác múa hát đặc trưng của từng vùng miền.

Khởi động giọng

Giáo viên nên dùng thang âm của bài dân ca cho học sinh khởi động giọng, qua đó các em biết sơ lược về âm hưởng của bài dân ca, không nên dùng gam trưởng hoặc thứ để khởi động giọng.

Tập hát từng câu

Giáo viên cần hát tăng cường hát mẫu để giúp học sinh hát đúng những chỗ khó, tiếng luyến láy, ngân nghỉ, cũng như thể hiện được sắc thái của bài dân ca.

Hát cả bài

Nếu có điều kiện, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh vừa hát bài dân ca vừa kết hợp với các trò chơi dân gian như: tập tầm vông, nhảy dây, ô ăn quan, chơi chong chóng, tò he, sáo diều…

Củng cố kiểm tra

Ngoài các nhạc cụ quen dùng, nếu có điều kiện, giáo viên nên khai thác hoặc hướng dẫn học sinh sử dụng các nhạc cụ dân tộc để đệm hát cho bài dân ca. Ví dụ dùng các nhạc cụ như cồng, chiêng, đàn t’rưng, tre lắc để đệm cho những bài dân ca Tây Nguyên…

 

Cách dạy những bài hát khó

Những bài hát trong chương trình dạy học Âm nhạc đã được các tác giả tuyển chọn nói chung là phù hợp với tâm lí lứa tuổi của học sinh song không tránh khỏi những khó khăn cho giáo viên, học sinh với một vài bài. Có khi dễ tiếp thu với học sinh địa phương này nhưng lại rất khó tiếp thu với học sinh địa phương khác, đó cũng là điều tất yếu vì hiện nay chúng ta chỉ có một chương trình, một bộ sách giáo khoa chung. Hướng giải quyết là bài hát khó là:

- Giáo viên phải nắm vững đặc điểm riêng của bài hát, như nội dung, cấu trúc, sắc thái… Đàn và hát chính xác, thuần thục, thuộc bài hát. Khi giáo viên tự cho rằng, bài hát đó không phải là bài khó thì việc dạy hát cũng trở nên dễ dàng hơn.

- Tăng thời gian cho bước tập hát từng câu, giảm thời gian của những bước khác.

- Học sinh xem phần biểu diễn bài hát trên băng hình.

- Nên chia bài theo những câu hát ngắn, dạy chậm và chính xác từng câu.

- Kết hợp cho nghe giai điệu trên đàn.

- Tập kĩ từng câu hát, giáo viên cần hát mẫu nhiều hơn để hướng dẫn học sinh thể hiện đúng những chỗ khó, sửa ngay từng câu nếu các em hát sai.

- Những câu hát gần giống nhau, nên để học sinh so sánh, nhận biết và tập hát cho đúng.

Giúp học sinh sửa chỗ hát sai

Giúp học sinh sửa chỗ hát sai là hoạt động diễn ra trong tiết học hát và ôn tập bài hát. Giáo viên cần sửa càng sớm càng tốt, khi phát hiện thấy các sai sót. Nếu bỏ qua những lỗi sai trong thời gian dài, sẽ khó sửa lại được, đặc biệt là khi các em đã quen với những lỗi đó. Có người nói: Những sai lầm ban đầu chỉ mỏng như mạng nhện, nhưng để lâu sẽ biến thành dây cáp.

Những lỗi sai mà học sinh thường hay mắc phải là:

Hát sai giọng (đa số học sinh hát ở giọng này, thì lại có em hát ở giọng khác). Cách sửa là giáo viên đàn hoặc hát mẫu cho học sinh hát sai nghe lại giai điệu câu mở đầu, hướng dẫn các em hát đúng giọng từ câu hát đầu tiên.

Hát sai cao độ (học sinh hát đúng giọng nhưng sai cao độ một số nốt trong bài). Cách sửa là giáo viên đàn hoặc hát mẫu thật chậm, phân tích chỗ học sinh hát sai là cao hơn hoặc thấp hơn so với bản nhạc, hướng dẫn các em thực hiện cho đúng.

Hát sai trường độ (thường xảy ra ở bài có đảo phách, nghịch phách hoặc trường độ có dấu chấm dôi đi cùng móc kép). Cách sửa là giáo viên hướng dẫn học sinh vừa hát vừa gõ tiết tấu lời ca, các em sẽ phân biệt và sửa được.

Một số lưu ý khi giúp học sinh sửa chỗ hát sai:

- Giáo viên không nên đặt mục tiêu: tất cả học sinh phải hát đúng tuyệt đối về giai điệu, bởi đa số các em không có năng khiếu về âm nhạc, nên không thể đạt được điều này.

- Giáo viên cần tập trung lắng nghe, để phát hiện học sinh hát sai chỗ nào.

- Nên sửa những lỗi sai mà nhiều học sinh trong lớp mắc phải, đặc biệt là lỗi sai về cao độ. Tránh sửa cho 1 học sinh, vì có thể làm em đó xấu hổ hoặc sợ hãi, cũng như làm mất thời gian của cả lớp.

- Giáo viên nên dùng nhạc cụ, giọng hát, kết hợp cử chỉ, điệu bộ để nhấn mạnh vào chỗ hát sai.

- Sửa riêng từng lỗi, không sửa đồng thời nhiều lỗi.

- Giáo viên làm mẫu bằng cách đàn hoặc hát từng câu ngắn, ở tốc độ chậm, khi học sinh đã hát đúng thì tập theo tốc độ phù hợp.

- Giáo viên cần sự kiên trì, cần động viên và khen ngợi sự tiến bộ của học sinh.

Cách dạy bài hát có 2 lời

Dạy lời 2 phải khác với cách dạy lời 1 bởi vì khi đó học sinh đã nắm được giai điệu bài hát. Giáo viên không thể dạy từng câu giống như lời 1 mà cần giúp các em nắm vững giai điệu để tự hát lời 2. Giáo viên cần lưu ý:

- Nếu lời 2 hát tương tự lời 1, giáo viên nên chỉ định học sinh (cá nhân, nhóm, tổ, dãy, cả lớp) tự hát sau đó hướng dẫn các em điều chỉnh những chỗ cần thiết.

- Nếu lời 2 có điểm khác lời 1 (ví dụ bài Khát vọng mùa xuân, ở nhịp 10, lời 2 ít hơn lời 1 một từ do đó phải hát luyến tiếng niên), giáo viên cần phân tích điểm khác biệt, có thể đàn và hát mẫu riêng câu đó rồi hướng dẫn học sinh hát đúng giai điệu.

Cách dạy bài hát mà học sinh quen thuộc

Những khó khăn là: có 3 loại học sinh cùng học hát (có những em hát chính xác, có em hát còn sai, có em chưa tập hát); nhiều em không hào hứng khi học một bài đã quen thuộc; khó sửa những lỗi sai mà học sinh đã quen thuộc. Một số biện pháp giải quyết là:

- Phân loại học sinh: những em hát chính xác, những em hát còn sai và những em chưa từng tập hát. Phân nhóm có cả 3 loại học sinh để cùng tập hát, tổ chức thi đua giữa các nhóm tạo hứng thú và động lực.

- Cho học sinh nghe băng đĩa mẫu. Nên chia câu hát dài, chỉ định học sinh xung phong làm mẫu và hướng dẫn các bạn chưa tập.

- Cần dạy đủ các bước để học sinh chưa tập có thể hát chính xác, tăng cường sửa sai cho các em.

- Có thể tổ chức các trò chơi làm tăng hứng thú.

- Với học sinh đã hát chính xác, cần hướng dẫn thể hiện sắc thái hoặc biểu diễn bài hát.

Phân chia thời gian các bước khi dạy hát

Trong quy trình dạy hát, thời lượng thực hiện các bước cần điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm riêng, với mức độ khó hoặc dễ của từng bài hát. Ví dụ bước giới thiệu bài hát, có bài chỉ tiến hành 1-2 phút nếu giáo viên không có nhiều thông tin; có bài có thể tiến hành 4-5 phút nếu giáo viên có những thông tin về tác giả hoặc những bài hát cùng chủ đề. Tuy nhiên, như nói ở trên, giáo viên nên thực hiện 4 bước (giới thiệu bài hát, tìm hiểu về bài hát, nghe hát mẫu, khởi động giọng) trong khoảng 10-12 phút, vì nếu kéo dài hơn có thể làm học sinh mất hứng thú học hát, đồng thời làm mất thời gian của bước khác. Bước tập hát từng câu, có bài chỉ dạy trong khoảng 7-8 phút (Hành khúc tới trường, Vui bước trên đường xa…), nhưng có bài dạy tới 15-20 phút (Bóng dáng một ngôi trường, Nụ cười…). Khi đó giáo viên phải điều chỉnh thời gian ở các bước khác cho phù hợp với hoạt động chung của tiết học.

Hạn chế dạy hát theo lối truyền khẩu

Học hát theo lối truyền khẩu là học sinh tập hát một cách thụ động và thiếu tích cực, các em liên tục nghe giáo viên hát mẫu rồi nhắc lại một cách máy móc. Thời gian trước đây có thể chúng ta đã từng dạy theo cách này vì nhiều nguyên nhân: do thói quen, giáo viên không có nhạc cụ hoặc khả năng sử dụng chưa tốt, thiếu thốn các thiết bị dạy học... Ngày nay, giáo viên nên giảm thiểu dạy hát theo lối truyền khẩu vì nó không phù hợp với những định hướng đổi mới phương pháp dạy học: không phát huy tính được tích cực của học sinh, không khai thác được các thiết bị dạy học…

Vai trò của nhạc cụ khi dạy hát

Khi dạy hát từng câu, giáo viên nên sử dụng nhạc cụ vì:

- Nhạc cụ là phương tiện tốt nhất để giúp học sinh hát đúng nhạc. Mặc dù giọng hát của giáo viên có tác dụng rất tốt để học sinh cảm nhận về tình cảm, sắc thái của bài hát, nhưng nhạc cụ có độ chính xác và ổn định cao hơn nhiều só với giọng hát.

- Học hát có nhạc cụ sẽ tạo không khí học tập vui tươi, sôi nổi, học sinh hào hứng luyện tập.

- Việc đàn giai điệu các câu hát giúp các em phát triển tai nghe nhạc.

- Sử dụng nhạc cụ giúp giáo viên dạy hát không vất vả mà lại hiệu quả, đồng thời còn nâng cánh cho tiếng hát hay hơn.

Không nên lạm dụng nhạc cụ một cách thái quá (về cường độ và thời gian). Nếu tiếng đàn quá to, giáo viên lại đàn liên tục, sẽ vừa át tiếng hát vừa xao nhãng việc bao quát lớp học.

Cách khắc phục học sinh hát cuốn nhịp

Đây là lỗi thường gặp trong tiết dạy hát, do tâm lí học sinh muốn nhanh chóng hát được bài vừa học, do sự điều tiết hơi thở không chủ động (đặc biệt là với câu hát dài, các em không đủ hơi thở) và ảnh hưởng của tâm lí đám đông nên không làm chủ về nhịp độ, dẫn đến tình trạng hát cuốn nhịp (nhịp độ lúc sau nhanh hơn lúc trước).

Có một số cách khắc phục lỗi hát cuốn nhịp, đó là:

- Hướng dẫn học sinh lấy hơi ở đầu hoặc giữa các câu hát, giúp các em đủ hơi thở để hát những câu tương đối dài.

- Giáo viên chia lớp thành nhóm nhỏ để luyện về nhịp độ (tránh ảnh hưởng của tâm lí đám đông).

- Lần lượt tập hát với tốc hơi chậm, hơi nhanh, vừa phải theo tay chỉ huy của giáo viên. Mục tiêu cách luyện tập này để học sinh có thể hát với mọi tốc độ mà vẫn làm chủ về nhịp độ.

- Tập hát theo chỉ huy của giáo viên, luyện cho học sinh cách quan sát động tác đánh nhịp và biết giữ vững nhịp độ.

- Hát thầm trên nền nhạc đệm.

- Tập gõ nhịp khi nghe nhạc...

Học mà chưa thấy vui thì chưa gọi là học. Tư Mã Thiên

 

 

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Rss Feed



Ảnh đẹp

video



Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 2
  • Hôm nay: 605
  • Tháng hiện tại: 20449
  • Tổng lượt truy cập: 5622309

Chuyên Mục

Sở hữu và quản lý Website: Lê Anh Tuấn (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo)