Những lưu ý khi sử dụng phương tiện dạy học

Đăng lúc: Chủ nhật - 17/07/2011 17:49 - Người đăng bài viết: admin

a) Lựa chọn và chuẩn bị

- Phù hợp với nội dung dạy học: bản thân phương tiện phải chứa đựng những thông tin cần thiết, góp phần hỗ trợ cho nội dung dạy học.

- Phù hợp với phương pháp dạy học: phương tiện là một yếu tố hỗ trợ, giúp phương pháp dạy học trở nên tích cực và hiệu quả hơn.

- Phù hợp với năng lực của giáo viên: không nên sử dụng những phương tiện mà giáo viên chưa có khả năng khai thác và phát huy. Điều đó làm giáo viên cảm thấy lúng túng, mất thời gian dạy học.

Phương tiện dạy học không làm giáo viên và học sinh quá vất vả trong việc chuẩn bị và sử dụng. Sau mỗi tiết học, khi giáo viên chuyển từ lớp này sang lớp khác, nếu phải mang cả đàn phím điện tử, nhạc cụ gõ, máy nghe, băng đĩa, tranh ảnh, bảng phụ, cặp sách… sẽ rất vất vả. Vì vậy giáo viên phải tính toán sử dụng những phương tiện nào phù hợp, cần thiết nhưng đem lại hiệu quả cao.

- Phù hợp với năng lực của học sinh: phương tiện cần phải gần gũi và có ích cho học sinh, nếu sử dụng phương tiện quá mới lạ, làm các em phân tán sự tập trung, kết quả học tập cũng bị hạn chế.

- Phù hợp với điều kiện và môi trường dạy học: ví dụ giáo viên không thể sử dụng máy chiếu, máy tính nếu phòng học chưa có điện… Hạn chế dùng phương tiện chiếm nhiều không gian của lớp học, học sinh không có chỗ múa hát, biểu diễn…

            Để tạo điều kiện cho học sinh được học bằng đa giác quan, khi chuẩn bị, giáo viên cần xem đã có phương tiện gì để giúp các em được học tập bằng thính giác (nhạc cụ, máy nghe, băng đĩa), thị giác (tranh ảnh, video) và xúc giác (nhạc cụ, nốt nhạc để gắn lên khuông) hay chưa. Nếu chưa có thì nên chuẩn bị những phương tiện cho phù hợp.

b) Sử dụng phương tiện

- Sử dụng phương tiện đúng lúc: giáo viên sử dụng vào thời điểm phù hợp nhất, khi học sinh đang muốn được nghe nhìn, nhớ lại hoặc hình dung, khi các em đang muốn thay đổi trạng thái học tập…

- Sử dụng phương tiện đúng chỗ: giáo viên để phương tiện ở vị trí thích hợp, giúp mọi học sinh đều nhìn thấy, nghe thấy. Phải đảm bảo sự an toàn của giáo viên, học sinh cũng như giữ gìn phương tiện trong quá trình dạy học… Ví dụ: giáo viên không nên treo tranh ảnh ở vị trí mà học sinh khó quan sát, không nên dùng máy chiếu và màn hình mà chiếm hết không gian của lớp học, không nên để học sinh tiếp xúc với nguồn điện…

- Mức độ sử dụng phù hợp: mỗi phương tiện có mức độ sử dụng khác nhau và giáo viên phải sử dụng với mức độ phù hợp, tránh hình thức hoặc tránh lạm dụng. Khi sử dụng phương tiện dạy học không làm hạn chế hiệu quả của các phương pháp dạy học như phát vấn, thuyết trình…

Vẫn có giáo viên sử dụng phương tiện còn mang tính hình thức, gần như chỉ để trưng bày. Ví dụ mang lên lớp nhiều phương tiện, nhưng mỗi loại chỉ dùng thoáng qua, không hiệu quả. Ngược lại, có người lạm dụng một loại phương tiện quá mức, ví dụ khi dạy hát hoặc Tập đọc nhạc, giáo viên chơi đàn quá nhiều, liên tục trong suốt tiết học, như vậy vừa khó bao quát lớp học, vừa ít hỗ trợ được học sinh, làm giảm tính tích cực của các em. Hoặc khi dạy bài Em yêu trường em của nhạc sĩ Hoàng Vân, giáo viên cho học sinh xem băng hình 3-4 bài hát khác của ông, đó cũng là một kiểu lạm dụng phương tiện, xác định không đúng trọng tâm của tiết học.

Đây là mô tả về cách sử dụng phương tiện trong một tiết dạy hát. Ví dụ dạy bài Gà gáy, dân ca Cống Khao, Lai Châu.

Hoạt động

Sử dụng phương tiện

Giới thiệu bài hát

Giáo viên dùng bản đồ giới thiệu vị trí địa lí của tỉnh Lai Châu, dùng tranh ảnh giới thiệu về đời sống đồng bào Cống Khao ở Lai Châu, dùng tranh minh họa về bài Gà gáy.

Đọc lời ca

Giáo viên chép lời lên bảng hoặc dùng bảng phụ chép sẵn lời ca để hướng dẫn học sinh đọc lời.

Nghe hát mẫu

Giáo viên dùng máy nghe, băng đĩa nhạc cho học sinh nghe bài hát, có thể dùng đàn phím điện tử để đệm và tự trình bày bài hát.

Khởi động giọng

Giáo viên dùng đàn phím điện tử giúp học sinh khởi động giọng.

Tập hát từng câu

Giáo viên dùng đàn phím điện tử giúp học sinh tập hát từng câu.

Hát cả bài

Giáo viên dùng đàn phím điện tử đệm cho học sinh hát cả bài. Học sinh dùng nhạc cụ gõ để gõ đệm khi hát.

Củng cố, kiểm tra

Giáo viên cho học sinh xem đĩa hình, để các em được thấy các bạn thiếu nhi biểu diễn bài hát.

 

Ngày nay, đàn phím điện tử là phương tiện dạy học Âm nhạc rất phổ biến, khi sử dụng, giáo viên cần thực hiện được các yêu cầu như:

- Thể hiện được giai điệu của bài hát, bài Tập đọc nhạc có phần đệm (tiết điệu và hoà âm).

- Giáo viên đệm đàn để tự trình bày bài hát cũng như đệm cho học sinh tập hát.

- Đàn giai điệu từng câu hát, từng câu nhạc khi dạy học sinh tập hát, tập đọc nhạc từng câu. Khi bắt nhịp cho học sinh hát, giáo viên nên dựa vào đàn để lấy cao độ cho phù hợp, tránh trường hợp, bắt nhịp cho học sinh hát ở một giọng, sau đó đệm đàn ở một giọng khác.

- Trình bày được một số tác phẩm nhạc không lời, dùng cho học sinh nghe nhạc hoặc dạy phân môn Âm nhạc thường thức.

- Biết chọn âm sắc phù hợp với đặc điểm của bài hát hoặc bản nhạc.

            Khi đàn cho học sinh tập hát hoặc tập đọc nhạc từng câu, giáo viên nên chọn âm sắc piano, không sử dụng phần đệm. Khi đệm đàn cho học sinh hát, có thể chọn âm sắc kèn, sáo hoặc ghi-ta… kết hợp với phần đệm. Nếu đệm cho bài dân ca, nên chọn các âm sắc mang màu sắc dân tộc như tiếng sáo, đàn tranh…

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Rss Feed



Ảnh đẹp

video



Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 4
  • Khách viếng thăm: 2
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 7
  • Tháng hiện tại: 7
  • Tổng lượt truy cập: 5622629

Chuyên Mục

Sở hữu và quản lý Website: Lê Anh Tuấn (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo)