Dạy đàn Keyboard cho học sinh trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình, Hà Nội

Đăng lúc: Thứ bảy - 20/06/2015 23:38 - Người đăng bài viết: anhtuan
Dạy đàn Keyboard cho học sinh trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình, Hà Nội

Dạy đàn Keyboard cho học sinh trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình, Hà Nội

Nhiều học sinh có năng khiếu âm nhạc có cơ hội được bồi dưỡng và phát triển, ở mức độ nào đó sẽ nâng cao chất lượng nền âm nhạc Việt Nam trong tương lai ...

Quách Văn Thành, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương

Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người, nhiều nhà nghiên cứu khoa học đã có những nghiên cứu về tác dụng của âm nhạc đối với đời sống của con người. Nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Lucvichvan Beethoven đã nói: Âm nhạc làm trái tim của người đàn ông sôi sục và khóe mắt của người phụ nữ đẫm lệ. Âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn của trái tim và là nhịp đập cuộc sống, phải chăng tất cả những điều đó đã khẳng định sự diệu kỳ của âm nhạc trong cuộc sống loài người. Ngoài ra âm nhạc còn giúp con người vơi đi những lo âu, phiền muộn của cuộc sống, giúp con người hiểu được sự vĩ đại của trí tuệ, làm giảm bớt những tác động tiêu cực.

Hưởng ứng theo tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội và đề án đổi mới toàn diện giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình, Hà Nội đã tổ chức dạy đàn Keyboard cho học sinh nhằm góp phần phát triển các năng lực chung như tự học, sáng tạo, giao tiếp, hợp tác, ngôn ngữ và các năng lực đặc thù như cảm thụ, hiểu biết và thực hành âm nhạc của học sinh THPT.

Dạy học Âm nhạc ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng dưới hình thức môn học tự chọn là một mô hình mới trong việc giáo dục Âm nhạc ở bậc THPT với nhiều ưu điểm:

- Học sinh có năng khiếu và có nhu cầu học Âm nhạc được đăng ký tham gia lớp học đàn Keyboard do nhà trường tổ chức dưới hình thức môn học tự chọn. Việc học đàn Keyboard là hoàn toàn tự nguyện. Âm nhạc là môn nghệ thuật đặc thù, để phát triển năng khiếu, học sinh cần có sự yêu thích và luyện tập chuyên cần. Ngoài những giờ học đàn, học sinh còn được tham gia những buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng để các em được giáo lưu và thể hiện các kỹ năng chơi đàn, ngoài ra các em còn được tìm hiểu những kiến thức âm nhạc khác, giúp các em phát huy tốt việc học cũng như luyện tập ở trên lớp.

- Học đàn Keyboard ở trường Đinh Tiên Hoàng giúp học sinh có thời gian ôn tập, củng cố kiến thức âm nhạc và học những tác phẩm âm nhạc phù hợp với lứa tuổi, đồng thời giúp các em có sự chuẩn bị về kiến thức, kĩ năng để thi vào các trường đào tạo âm nhạc trong cả nước.

Để tổ chức dạy đàn Keyboard trong trường THPT cần có sự phối hợp giữa nhà trường và những giáo viên thỉnh giảng. Bài viết này xin giới thiệu một số biện pháp tổ chức, chương trình giảng dạy và phương pháp học đàn Keyboard cho học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng.

1. Mở lớp nhạc cụ, tổ chức dạy học nhạc cụ tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng

Giáo dục Âm nhạc ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng được tổ chức dưới hình thức môn học tự chọn theo định hướng trong đề án đổi mới của Bộ GD&ĐT. Học sinh trong trường tự nguyện đăng kí theo học, tùy theo số lượng học sinh đăng kí nhà trường sẽ xếp thành các lớp, số lượng mỗi lớp khoảng 10-12 học sinh.

2. Thiết kế chương trình, giáo trình dạy học

Chương trình dạy đàn Keyboard ở trường THPT hiện nay ở Việt Nam chưa có vì vậy việc dạy đàn Keyboard ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng đòi hỏi phải có một chương trình và tài liệu dạy học phù hợp với định hướng đổi mới về phương pháp dạy học Âm nhạc trong trường phổ thông, đó là:“Kế thừa phương pháp dạy học truyền thống, kết hợp với phương pháp và kỹ thuật dạy âm nhạc tiên tiến, sử dụng hợp lí nhạc cụ, phương tiện nghe nhìn và công nghệ thông tin; vận dụng 3 phương pháp dạy học âm nhạc đặc trưng: thực hành, luyện tập và trình diễn”.

Chương trình dạy học đàn Keyboard cho học sinh THPT phải đi từ dễ đến khó, học sinh phải có những bài tập làm quen đàn Keyboard và lí thuyết âm nhạc cơ bản. Việc dạy học đàn Keyboard cho học sinh THPT đòi hỏi phải có sự đầu tư thời gian và thiết kế giáo án, việc sử dụng giáo án khi dạy là điều cần thiết để đạt được những yêu cầu của một buổi học. Việc không chuẩn bị giáo án mà chỉ dùng kinh nghiệm của giáo viên để dạy đàn sẽ khiến cho việc giảng dạy thường xuyên bị vấp, không mạch lạc, thiếu tính hệ thống, gây sự nhàm chán, không hứng thú và mất đi tính tích cực của học sinh.

Cuối kì học cần có những chương trình báo cáo tổng kết kết quả học tập của học sinh. Những chương trình như vậy có thể được tổ chức một kì một lần hoặc một năm học một lần để học sinh có dịp được thể hiện năng khiếu trước bạn bè và thầy cô giáo.

Xin trình bày nội chung khung chương trình cho 2 kì học đàn Keyboard của lớp âm nhạc trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình, Hà Nội.

Trình độ  A (Kì 1): Thời gian học 32 buổi, 2 buổi một tuần.

Số buổi

Nội dung giảng dạy

2

- Giới thiệu về đàn Keyboard (nguồn gốc, tính năng, cấu tạo, các loại đàn Keyboard phổ biến hiện nay).

- Ôn tập một số kiến thức âm nhạc đã học ở THCS.

13

- Tập luyện gam Đô trưởng, La thứ.

- Tập bài luyện ngón (móc đơn, móc giật, lệch phải, lệch trái).

- Luyện tập 5-6 tác phẩm ngắn.

16

- Tập gam Son trưởng, Mi thứ.

- Luyện ngón với bài tập luyện ngón Hanon.

- Luyện tập 7-8 tác phẩm ngắn.

- Củng cố kĩ năng biểu diễn.

1

- Kiểm tra đánh giá.

 

Trình độ B (Kì 2): thời gian học trong 32 buổi, 2 buổi một tuần.

Số buổi

Nội dung giảng dạy

10

- Luyện gam Son trưởng, Mi thứ với các kỹ thuật Legato, Stacato…

- Luyện tập 4-5 tác phẩm ngắn.

10

- Luyện gam Pha trưởng, Rê thứ với các kỹ thuật Legato, Stacato…

- Luyện ngón một tay với các âm hình tiết tấu đảo phách, lệch trái, lệch phải…

- Luyện tập 4-5 tác phẩm ngắn.

11

- Luyện gam Rê trưởng, La trưởng với các kỹ thuật Legato, Stacato…

- Luyện ngón hai tay với với các âm hình tiết tấu đảo phách, lệch trái, lệch phải…

- Luyện tập 4-5 tác phẩm ngắn.

1

- Kiểm tra đánh giá.

 

3. Sử dụng các hình thức dạy học tích cực, phù hợp với tính chất đặc thù của dạy học Âm nhạc.

Hiện nay, những phương pháp dạy học tích cực đang được khuyến khích áp dụng ở nhiều trường phổ thông, cao đẳng và Đại học ở Việt Nam.

Phương pháp dạy học tích cực hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung vào phát huy tính tích cực của người học chứ không phải là tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy, tuy nhiên để dạy học theo phương pháp tích cực thì giáo viên phải nỗ lực nhiều so với dạy theo phương pháp thụ động.

Tính tích cực học tập - về thực chất là tính tích cực nhận thức, đặc trưng ở khát vọng hiểu biết, cố gắng trí lực và có nghị lực cao trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Tính tích cực nhận thức trong hoạt động học tập liên quan trước hết với động cơ học tập. Động cơ đúng tạo ra hứng thú. Hứng thú là tiền đề của tự giác. Hứng thú và tự giác là hai yếu tố tạo nên tính tích cực. Tính tích cực sản sinh nếp tư duy độc lập. Suy nghĩ độc lập là mầm mống của sáng tạo. Ngược lại, phong cách học  tập tích cực độc lập sáng tạo sẽ phát triển tự giác, hứng thú, bồi dưỡng động cơ học tập. Tính tích cực học tập biểu hiện ở những dấu hiệu như: hăng hái trả lời các câu hỏi của giáo viên, bổ sung các câu trả lời của bạn, thích phát biểu ý kiến của mình trước vấn đề nêu ra; hay nêu thắc mắc, đòi hỏi giải thích cặn kẽ những vấn đề chưa đủ rõ; chủ động vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để nhận thức vấn đề mới; tập trung chú ý vào vấn đề đang học; kiên trì hoàn thành các bài tập, không nản trước những tình huống khó khăn, ...

Tính tích cực học tập thể hiện qua các cấp độ từ thấp lên cao như:

- Bắt chước: gắng sức làm theo mẫu hành động của thầy, của bạn, ...

- Tìm tòi: độc lập giải quyết vấn đề nêu ra, tìm kiếm cách giải quyết khác nhau về một số vấn đề…

- Sáng tạo: tìm ra cách giải quyết mới, độc đáo, hữu hiệu.

Muốn đổi mới cách học phải đổi mới cách dạy. Cách dạy chỉ đạo cách học, nhưng ngược lại thói quen học tập của trò cũng ảnh hưởng tới cách dạy của thầy. Chẳng hạn, có trường hợp học sinh đòi hỏi cách dạy tích cực hoạt động nhưng giáo viên chưa đáp ứng được, hoặc có trường hợp giáo viên hăng hái áp dụng PPDH tích cực nhưng không thành công vì học sinh chưa thích ứng, vẫn quen với lối học tập thụ động. Vì vậy, giáo viên phải kiên trì dùng cách dạy hoạt động để dần xây dựng cho học sinh phương pháp học tập chủ động một cách vừa sức, từ thấp lên cao. Trong đổi mới phương pháp dạy học phải có sự hợp tác cả của thầy và trò, sự phối hợp nhịp nhàng hoạt động dạy với hoạt động học thì mới thành công. Như vậy, việc dùng thuật ngữ "Dạy và học tích cực" để phân biệt với "Dạy và học thụ động".

Phương pháp dạy học tích cực chia làm các phương pháp sau:

Phương pháp dạy học nhóm

Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình

Phương pháp giải quyết vấn đề

Phương pháp đóng vai

Phương pháp trò chơi

Phương pháp dạy học theo dự án

Âm nhạc là ngành nghệ thuật đặc thù, và dạy học đàn Keyboard cũng là một hoạt động đặc thù, vì vậy không thể áp dụng tất cả các phương pháp dạy học tích cực, mà chỉ có thể vận dụng những phương pháp phù hợp, đó là dạy học theo nhóm và dạy học cá nhân.

Phương pháp dạy học nhóm

Dạy học nhóm còn được gọi bằng những tên khác nhau như: dạy học hợp tác, dạy học theo nhóm nhỏ, trong đó học sinh của một lớp học được chia thành các nhóm nhỏ, trong khoảng thời gian giới hạn, mỗi nhóm tự hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc. Kết quả làm việc của nhóm sau đó được trình bày và đánh giá trước toàn lớp. Phương pháp dạy học nhóm rất phù hợp để dạy lớp học sinh. Khi dùng phương pháp dạy học nhóm trong hoạt động dạy học đàn Keyboard cho học sinh cần phải có sự ứng dụng linh hoạt, một lớp học đàn chỉ nên có tối đa 12 học sinh một buổi 120 phút. Qua việc kiểm tra trình độ và năng khiếu của mỗi học sinh, giáo viên tự xắp xếp việc chia nhóm, có thể chia làm 3 hoặc 4 nhóm nhỏ.

Những học sinh ở cùng một nhóm sẽ được giao cùng một bài phù hợp với trình độ chung của nhóm để cho học sinh cùng tập. Thông qua sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh sẽ ghi nhớ và thao khảo cách chơi đàn của bạn trong nhóm, sửa những sai sót và luyện tập đến khi giáo viên kiểm tra và thấy đạt yêu cầu. Việc giao lưu và học hỏi của những học sinh cùng nhóm sẽ giúp các em có thêm động lực để thi đua, cùng nhau hoàn thiện kĩ năng chơi đàn. Giáo viên cần đặt mục tiêu cụ thể cho từng học sinh để các em phấn đấu. Để phương pháp dạy học nhóm đạt hiệu quả cao cần có sự tích cực của học sinh, trình độ của giáo viên, ngoài ra trang thiết bị dạy học hiện đại và đầy đủ cũng góp phần rất lớn vào hiệu quả của phương pháp dạy học trong quá trình dạy học.

Đối với công tác dạy học đàn Keyboard, phương pháp dạy học nhóm có nhiều ưu điểm: với số lượng 12 học sinh một lớp, nhà trường có thể đào tạo được nhiều học sinh, đáp ứng được nhu cầu học đàn của các em.

Dạy học nhóm nếu được tổ chức tốt sẽ phát huy được tính tích cực, tính trách nhiệm, phát triển năng lực hợp tác, giao tiếp của học sinh.

Phương pháp dạy học cá nhân

Dạy học cá nhân là phương pháp rất phù hợp để dạy học đàn Keyboard, phương pháp này đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Dạy học cá nhân giúp cho giáo viên nắm bắt chính xác trình độ và khả năng nhận thức của học sinh, từ đó giao cho các em những bài tập, những tác phẩm phù hợp với từng học sinh. Với phương pháp này, lớp dạy đàn chỉ nên có 5-6 học sinh. Giáo viên dạy từng học sinh, để lắng nghe, hướng dẫn các em những chỗ chưa đạt, có thể làm mẫu và thực hành cho đến khi học sinh đạt được yêu cầu khả năng thị tấu, chơi bản nhạc với tốc độ phù hợp và có sự biểu cảm.

Phương pháp dạy học cá nhân có ưu điểm là: học sinh được giáo viên hướng dẫn kỹ chi tiết những yêu cầu kĩ thuật, sắc thái trong tác phẩm, đối với những học sinh có năng khiếu và đam mê luyện tập đàn Keyboard thì đây là sự chỉ bảo rất cần thiết, giúp học sinh tiến bộ nhanh chóng. Với những học sinh có năng khiếu bình thường, những sự hướng dẫn đó cũng giúp các em hoàn thành những yêu cầu cơ bản khi chơi một tác phẩm âm nhạc. Nhìn chung với phương pháp này học sinh sẽ tiến bộ nhanh và đạt được những mục tiêu cơ bản của quá trình dạy học Âm nhạc ở bậc THPT.

Kết luận

Nghị quyết 88 của Quốc hội về Đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã mở ra một hướng đi mới cho công tác giáo dục Âm nhạc trong trường THPT ở Việt Nam. Ở bậc THPT, học sinh được học Âm nhạc sẽ giúp nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường cao đẳng và đại học đào tạo âm nhạc, giúp cho nhiều học sinh có năng khiếu âm nhạc có cơ hội được bồi dưỡng và phát triển, ở mức độ nào đó sẽ nâng cao chất lượng nền âm nhạc Việt Nam trong tương lai.

Mô hình dạy đàn Keyboard cho học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình, Hà Nội mới được triển khai trong thời gian ngắn, vì vậy rất mong nhận được ý kiến của độc giả, để chúng tôi có thêm kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng dạy đàn Keyboard cho học sinh trường THPT.

Một số hình ảnh về lớp học Keyboard ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình, Hà Nội:


 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Thu Hằng (2010), Cảm nhận về sự kỳ diệu của âm nhạc trong cuộc sống. Hội thảo giáo dục nghệ thuật và cuộc sống trường ĐHSPNTTW, tháng 01 năm 2010.

2. Văn Thị Minh Hương (2010), Giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông Việt Nam. Hội thảo giáo dục nghệ thuật và cuộc sống trường ĐHSPNTTW, tháng 01 năm 2010.

3. Hoàng Long (2010), Vài suy nghĩ về giáo dục nghệ thuật và đào tạo giáo viên dạy nghệ thuật. Hội thảo giáo dục nghệ thuật và cuộc sống trường ĐHSPNTTW, tháng 01 năm 2010.

4. Việt Thanh (1996), Những tác phẩm chọn lọc cho đàn Organ Keyboar, NXB âm nhạc, Hà Nội.

5. Phạm Trọng Toàn (2010), Mấy suy nghĩ về đổi mới giảng dạy thanh nhạc trong đào tạo giáo viên âm nhạc cho trường phổ thông. Hội thảo giáo dục nghệ thuật và cuộc sống trường ĐHSPNTTW, tháng 01 năm 2010.

6. Lê Anh Tuấn (2013), Đổi mới giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông Việt Nam sau năm 2015. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Tạp chí điện tử http://www.music.edu.vn/

7. Lê Anh Tuấn  (2015), “Xác định mục tiêu, chuẩn kết quả, khung nội dung Chương trình giáo dục Âm nhạc mới”, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Tạp chí điện tử http://www.music.edu.vn/ 

8. Nhiều tác giả (1993), Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng văn hóa nghệ thuật, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

 

 

Từ khóa:

n/a

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Rss Feed



Ảnh đẹp

video



Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 428
  • Tháng hiện tại: 428
  • Tổng lượt truy cập: 5623050

Chuyên Mục

Sở hữu và quản lý Website: Lê Anh Tuấn (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo)