Một số suy nghĩ về giáo dục nghệ thuật và công tác đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật hiện nay

Đăng lúc: Thứ tư - 18/01/2012 11:15 - Người đăng bài viết: anhtuan
Một số suy nghĩ về giáo dục nghệ thuật và công tác đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật hiện nay

Một số suy nghĩ về giáo dục nghệ thuật và công tác đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật hiện nay

Đội ngũ những người làm công tác giáo dục nghệ thuật hiện nay trên cả nước là một đội ngũ hết sức hùng hậu, không phải con số hàng ngàn mà đã tới cả vạn người, bao gồm cả dạy Âm nhạc và Mĩ thuật mà 40 năm trước chỉ lèo tèo có vài chục người. Đó là một thành tựu lớn trong quá trình phát triển giáo dục không thể phủ nhận.

Hoàng Lân- Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội (tham luận hội thảo khoa học)

 

Đã lâu rồi, hôm nay chúng ta mới có một hội nghị để trao đổi về một vấn đề mà rất nhiều người làm công tác nghệ thuật ở cả trong và ngoài ngành giáo dục hết sức quan tâm, đó là công tác đào tạo giáo viên Âm nhạc- Mĩ thuật phục vụ cho yêu cầu giáo dục thế hệ trẻ của ngành. 

Như chúng ta đã biết, đội ngũ những người làm công tác giáo dục nghệ thuật hiện nay trên cả nước là một đội ngũ hết sức hùng hậu, không phải con số hàng ngàn mà đã tới cả vạn người, bao gồm cả dạy Âm nhạc và Mĩ thuật mà 40 năm trước chỉ lèo tèo có vài chục người. Đó là một thành tựu lớn trong quá trình phát triển giáo dục không thể phủ nhận.

Tại sao trên lĩnh vực này, “binh chủng” giáo viên Âm nhạc- Mĩ thuật lại cần tới số lượng đông đảo như vậy, mà chưa phải là đã đủ. Bởi vì, giáo dục nghệ thuật cho thế hệ trẻ phải bắt đầu từ phổ thông, thậm chí phải sớm hơn nữa, bắt đầu từ giáo dục mầm non, trong khi ngành ta các cấp học có tới vài vạn trường.

Xin nói rằng, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, cả ngàn năm nay, nhân loại đã tốn không biết bao giấy mực nói về tác dụng và ảnh hưởng của nghệ thuật đối với cuộc sống con người, điều đó có lẽ ai cũng quá hiểu, nhất là các vị trí thức, các nhà giáo dục kiệt xuất, các nhà quản lý có trình độ.

Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của lĩnh vực giáo dục này, trong ngành giáo dục vẫn gọi là giáo dục thẩm mĩ, chúng ta đã và đang trả món nợ đó cho thế hệ trẻ bằng cách đưa giáo dục Âm nhạc- Mĩ thuật vào nhà trường từ nhiều năm nay với tư cách là một môn học chính thức. Đối với trẻ em Việt Nam quả là một điều hạnh phúc, đối với những người làm công việc trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy trực tiếp, đây là kết quả của sự kiên trì vài chục năm qua đã góp phần thay đổi cách nhìn của nhiều cấp quản lý, kể cả cấp Bộ.  

Nhìn ra thế giới, chưa có một nước nào gọi  là nước văn minh, tiên tiến mà trong trường học lại không dạy Âm nhạc- Mĩ thuật. Có nước như Nga, Pháp, dạy Âm nhạc- Mĩ thuật từ mẫu giáo cho đến hết THCS, có nước như Đức, Hungari, Lít-va, Lát-via… dạy suốt cả 3 cấp học phổ thông. Cũng có nước dạy hết THCS  rồi đến THPT trở  thành môn học tự  chọn như Ba Lan, Cộng hoà Séc… Số tiết dành cho  môn học ở mỗi nước có sự khác nhau: 1 tiết/ tuần như Nga, Pháp, 2 tiết/ tuần như Hungari, Đức, riêng ở Nhật Bản bố trí tới 3/ tiết tuần cho các lớp 1, 2.. Có nước không đặt tên riêng thành 2 môn Âm nhạc- Mĩ thuật mà gọi chung là Giáo dục Nghệ thuật hoặc Thực hành sáng tạo Nghệ thuật như  Úc, Canada. Giáo dục nghệ thuật ở Mĩ và Canada bao gồm 4 lĩnh vực: Âm nhạc, Mĩ thuật, Nhảy múa và Sân khấu. Ở Úc học sinh được học tới 6 lĩnh vực, ngoài 4 lĩnh vực như ở trên còn thêm cả Nghệ thuật giao tiếp và Nghệ thuật thông tin đại chúng.

Người ta quan niệm rằng, nghệ thuật cảm nhận bằng mắt bao gồm các lĩnh vực như: vẽ, nặn, điêu khắc, trang trí, chụp ảnh, in ấn, kiến trúc, cây cảnh, khuôn viên, điện ảnh, vi tính… Nghệ thuật cảm thụ bằng tai bao gồm âm nhạc và cả tiếng nói (trong sân khấu gọi là đài từ). Riêng âm nhạc bao gồm nhiều thể loại từ dân ca đến nhạc giao hưởng, từ nhạc bình dân đến nhạc thính phòng, ô-pê-ra, và nhạc nhẹ các loại. Nhà trường ở Mĩ có giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật, giáo viên múa, giáo viên sân khấu, nhưng nói chung GV Âm  nhạc và Mĩ thuật là tương đối cố định, còn GV múa và Sân khấu thường là giáo viên hợp đồng. Giáo viên nghệ thuật có thể dạy ở nhiều trường khác nhau. Họ rất linh hoạt trong việc sử dụng GV, không như ở nước ta. Trường phổ thông ở nhiều nước còn tổ chức các lớp học nhạc cụ cho học sinh tuỳ theo sở thích của các em. Các cuộc triển lãm tranh do học sinh vẽ thực hiện cả ở trong và ngoài trường.

Ở Việt Nam, Bộ giáo dục- Đào tạo đã ghi 2 môn Nhạc- Hoạ vào chương trình cấp 1 và cấp 2 từ năm 1956- 1957, nhưng do nhiều nguyên nhân, bộ môn Nhạc Hoạ ở các trường phổ thông nước ta không phát triển được. Ngay tới khi Cải cách giáo dục 1980, 2 môn Nhạc Hoạ cũng chưa được quan tâm đúng mức. Mãi đến những năm 1990, môn Nhạc Hoạ mới dần dần có vị thế như  nó cần phải có ở trường phổ thông như hiện nay, và đặc biệt  từ năm 2002, khi chính thức có bộ sách giáo khoa Âm Nhạc và Mĩ thuật ra đời, Bộ đã chỉ đạo chặt chẽ để tất cả các trường đều phải dạy Âm Nhạc và Mĩ thuật học sinh, nên  nhu cầu đào tạo giáo viên trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Để có giáo viên Âm Nhạc và Mĩ thuật đủ cho tất cả các trường Tiểu học và THCS, tính trên bình diện cả nước cần khoảng trên dưới 5 vạn người. Rõ ràng hiện nay còn  rất thiếu, tuy rằng các cơ sở đào tạo giờ đây  đã có tới  40-50 địa chỉ ở khắp các vùng miền, kể cả các trường Văn hoá Nghệ thuật của Bộ Văn hoá, Sở Văn hoá, cũng tham gia đào tạo giáo viên Âm Nhạc và Mĩ thuật cho ngành giáo dục. Nhiều cơ sở đào tạo đựợc nâng cấp từ  Cao đẳng lên Đại học để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng và chuẩn hoá đội ngũ.

Tuy nhiên, tình trạng mở ồ ạt các trường lớp đào tạo ở nhiều nơi như hiện nay có rất nhiều bất cập vì trình độ giáo viên tại chỗ có nhiều hạn chế, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo, việc tuyển sinh cũng chưa được chặt chẽ, cho nên giáo viên ra trường giảng dạy ở trường phổ thông một số nơi còn kém hiệu quả, là giáo viên nghệ thuật nhưng giống như những công chức hành chính, ngay cả lòng đam mê đối với nghệ thuật cũng thiếu, vậy làm sao có thể truyền được những hứng thú, khơi gợi những cảm xúc sáng tạo  cho học sinh trong giờ học nghệ thuật (cuộc trao đổi bàn tròn cách đây vài tháng trên Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam có nhiều nhà chuyên môn âm nhạc chuyên nghiệp và các chuyên gia giáo dục âm nhạc tham dự đã xác nhận).

Trong hội nghị này, có lẽ vấn đề mà nhiều người quan tâm hiện nay là chất lượng đào tạo, phương thức đào tạo và việc tiếp tục bồi dưỡng cho đội ngũ hiện có như thế nào?

Bàn về chất lượng, thông thường là nói đến việc đổi mới chương trình, giáo trình, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học? Vấn đề có vẻ xưa và cũ như trái đất ấy, nếu cứ nói chung chung và không chỉ ra cụ thể nên bắt đầu từ đâu và như thế nào sẽ chẳng có tác dụng gì ? Nhiều người cho rằng chất lượng giáo dục là cái gì đó khá trừu tượng, khó cân- đong- đo đếm.

Nhưng, về các sản phẩm hàng hoá vật chất người ta nói đến ISO này và thương hiệu kia, thì  các trường đại học, các cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới lâu nay cũng đã nói đến kiểm định chất lượng đào tạo và có những tiêu chí để kiểm định chất lượng rõ ràng. Người ta không chỉ xem xét sản phẩm đầu ra, mà xem xét toàn bộ cả một hệ thống vận hành của nó, tất nhiên sản phẩm đầu ra vẫn là cái cốt lõi để xác định giá trị chất lượng của một cơ sở đào tạo .

Không ít trường Đại học và Cao đẳng hiện nay đào tạo nghề cho sinh viên, nhưng khi ra trường tiếp cận với thực tiễn họ lại chưa làm được việc ngay, thậm chí đôi khi còn ngơ ngác, lúng túng. Tình trạng “học thật, học giả”, “bằng thật bằng giả”, học để đối phó, lấy bằng để chuẩn hoá, thực lực ra sao không cần biết. Đó là hiện tượng không hiếm ở nước ta. Đào tạo giáo viên Âm Nhạc và Mĩ thuật mặc dù là những môn năng khiếu, cũng không nằm ngoài tình trạng này (chúng tôi thường nói vui với nhau, thi cử bây giờ nếu như Mô-da, Bét-tô-ven, Ra-pha-en hay Mi-ken-lăng… sống lại, nếu  không chịu chạy cũng trượt như chơi, nhất là khi thi công chức!).

Đánh giá về những kết quả, tác dụng của việc đưa giáo dục Âm Nhạc- Mĩ thuật vào trong trường học sẽ còn nhiều dịp để xem xét, tuy nhiên, theo thông tin từ một hội nghị gần đây nhất của Bộ lấy ý kiến của các địa phương thì các môn Âm Nhạc và Mĩ thuật không thấy có vấn đề gì nổi cộm như  một số môn học khác. Dự án THCS  là một trong các đơn vị đã rất tích cực ủng hộ cho các môn học này đi vào nhà trường, từ việc làm sách giáo khoa, tập huấn giáo viên, cho đến những ý tưởng và hành động cụ thể khác như: tổ chức đưa dân ca vào trường học, tổ chức vận động sáng tác bài hát về ngành Giáo dục mà chính Bộ trưởng đã phát động… đó là điều đáng mừng, bởi vì học sinh học môn này chỉ có lợi, chứ không bị đè nặng lên vai các em như một số môn khác đang chịu sức ép của dư luận.

Là những người trực tiếp từng tham gia tới nhiều vấn đề cụ thể về giáo dục nghệ thuật, thường đi sâu vào bếp núc của mảng giáo dục này, với mục đích xây dựng, chúng tôi mạnh dạn trình bày những suy nghĩ và đề xuất cụ thể với các cấp quản lý và với hội nghị như sau:

1. Trước hết, với lãnh đạo Bộ, chúng tôi khẳng định sự hiện diện của 2 môn học Âm Nhạc- Mĩ thuật trong nhà trường là rất cần thiết, không thể thiếu vắng, nó là nhu cầu tự thân của tuổi trẻ và là phương tiện hữu hiệu trong giáo dục, nếu như chúng ta muốn thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện một cách nghiêm chỉnh, thực chất.

2. Với Cục Nhà giáo, chúng tôi đề nghị nên tiến hành ngay việc khảo sát, điều tra, thống kê, tổng kết về số lượng, chất lượng của đội ngũ giáo viên Âm Nhạc- Mĩ thuật đang làm việc trong ngành để có căn cứ khoa học cho một chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ này ở tầm vĩ mô phục vụ đất nước từ 5 đến 10-15  năm sau.

3. Khảo sát ngay các cơ sở đào tạo và có đánh giá chính xác sản phẩm trước khi ra trường, tránh tình trạng hết sức thủ công, manh mún, phi khoa học, ồ ạt, làm lấy được, như cách làm ở một số nơi hiện nay, để khỏi có tình hình thừa mà thiếu, thiếu mà thừa không cần thiết dẫn đến hậu quả là các em học sinh phải hứng chịu. Nơi nào đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn thì cho đào tạo, nơi nào còn yếu thì tạm ngừng một thời gian để củng cố, hoặc ngừng hẳn. Muốn vậy phải xây dựng một bộ tiêu chí “Kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo giáo viên Âm Nhạc- Mĩ thuật”, và “Kiểm định chất lượng giáo viên”, chứ không thể chung chung như lâu nay vẫn làm.

4. Đồng thời với việc trên  là rà soát và điều chỉnh ngay các loại chương trình đạo tạo, thêm bớt bổ sung, thậm chí cắt bỏ những nội dung, kiến thức xét thấy không cần thiết, chưa thiết thực, sao cho chương trình có tính cập nhật cao. Việc này cần huy động các nhà khoa học chuyên  môn sâu, các nhà nghiên cứu sư phạm, các giáo viên có kinh nghiệm  lâu năm…

5. Cần có có giải pháp cấp bách nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên của các cơ sở đào tạo đang làm chức năng máy cái, cả về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, không chỉ  đào tạo bồi dưỡng ở trong nước mà cả ngoài nước dưới nhiều hình thức (Tôi xin nói thêm, việc cho đi đào tạo ở ngoài nước thuộc lĩnh vực  này, Bộ hầu như bỏ quên quá lâu, nếu tôi không nhầm thì hơn 40 năm qua, mới có 2-3 người được đào tạo ở nước ngoài. So với nhiều lĩnh vực khác là vô cùng ít ỏi).

6. Cần tăng cường tính Sư phạm, tính giáo dục trong các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các cơ sở thuộc ngành văn hoá như các trường Văn hoá- Nghệ thuật địa phương, để sản phẩm có thể thích ứng với công tác giáo dục tại các trường phổ thông.

7. Việc đổi mới  phương thức đào tạo (liên kêt, liên thông, từ xa, tại chức), các phương thức đào tạo này cũng cần được khảo sát, tổng kết, đánh giá  cụ thể để có chất lượng đích thực, không nên  thả nổi như hiện nay.

8. Đổi mới phương pháp giảng dạy cũng là những vấn đề hết sức nóng bỏng và bức xúc đối với nhiều giáo viên. Bởi lẽ, trong quá trình hội nhập và trong thời đại thông tin nhanh nhạy và rộng khắp như hiện nay, thì giáo dục của chúng ta nói chung, và giáo dục Nghệ thuật nói riêng, còn rất nhiều hạn chế, thậm chí lạc hậu với thế giới. Mà chủ yếu là chúng ta rơi vào lý thuyết nặng nề hơn là thực hành, điều này  tôi tin chắc nhiều tham luận cũng sẽ đề cập. 

9. Nên  thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học về sư phạm Âm Nhạc- Mĩ thuật, có thể theo vùng miền, không nhất thiết tổ chức phạm vi toàn quốc. Có thể mở trang Web, hoặc có Bản tin nội bộ để những ngưòi làm việc trên lĩnh vực này thường xuyên có diễn đàn trao đổi, bày tỏ ý kiến, công bố những kết quả của cá nhân hoặc địa phương mình.

Việc thì nhiều, nhưng có lẽ các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm cần chọn ra việc nào làm trước việc nào làm sau để chúng ta có một lộ trình thích hợp với bước đi của ngành, để công tác giáo dục đào tạo Âm Nhạc- Mĩ thuật không tụt hậu với thế giới khi bước vào hội nhập.

Chắc chắn những ý kiến nêu trên còn phải trao đổi thêm, rất mong được sự đóng góp của hội nghị.

 

Từ khóa:

n/a

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Rss Feed



Ảnh đẹp

video



Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 3
  • Hôm nay: 567
  • Tháng hiện tại: 567
  • Tổng lượt truy cập: 5623189

Chuyên Mục

Sở hữu và quản lý Website: Lê Anh Tuấn (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo)