Ông tổ của nghề hát xẩm
- Thứ năm - 25/12/2014 08:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này

Truyện dân gian Việt Nam
Trần Quốc Đĩnh là con vua Trần Thánh Tông (1258-1278), từ nhỏ vốn tính chăm chỉ, học hành thông minh lại đàn ngọt, hát hay, được vua cha thương yêu, nhiều người quý mến. Trần Quốc Toán là anh trai, tính tình ngang ngược, học hành lười biếng, thấy ai hơn mình thì đem lòng ghen ghét, rắp tâm tìm dịp hãm hại.
Một hôm, hai anh em vào rừng săn bắn, tình cờ ở bên khe suối, Quốc Đĩnh nhặt được một viên đá tỏa sáng lung linh, màu sắc rực rỡ, những người theo hầu nói đó là một viên ngọc rất quý giá. Quốc Toán thấy vậy liền âm mưu giết em để chiếm lấy viên ngọc quý đó. Hắn rủ em đi sâu vào rừng, đến chỗ vắng, hắn rút dao nhọn đâm em mù cả hai mắt, chiếm lấy viên ngọc quý rồi bỏ em nằm một mình ở giữa rừng sâu hoang vắng, một mình về tâu vua cha là em đã bị hổ ăn thịt, tuy cố đuổi theo bắn hòng cứu em nhưng không được. Để lấy lòng vua cha, Quốc Toán dâng vua cha viên ngọc quý và nói dối là mình đã nhặt được ở khe suối sâu trong rừng.
Chiều đó, mấy người tiều phu đi rừng kiếm củi qua đó thấy Quốc Đĩnh đang nằm mê man ở giữa rừng sâu, liền bảo nhau khiêng nạn nhân về nhưng hai con mắt đã bị mù. Dân làng định cử người đưa Quốc Đĩnh về Hoàng cung, nhưng chàng nhất định không chịu về, vì thấy Quốc Toán có tâm địa độc ác như con sói. Để đền ơn những người đã cứu mình, Quốc Đĩnh làm cây đàn một dây theo như Tiên báo mộng, thân đàn làm bằng một đoạn cây bương bổ đôi, cần đàn bằng song được xuyên qua vỏ quả bầu nậm khô, dây đàn bằng tơ tằm, tiếng đàn được nghe ấm áp du dương. Chiều chiều, Quốc Đĩnh thường tay đàn, miệng hát ca ngợi cảnh đẹp quê hương, ca ngợi cuộc sống lao động của dân làng, làm cho không khí xóm làng thêm vui vẻ, ấm áp. Tiếng đàn, giọng hát của chàng đã đi vào tình cảm của nhiều người, trong số đó có những người mù đã nhờ chàng truyền lại cho những ngón đàn, những làn điệu quê hương để rồi sau đó họ lại đi khắp đó đây để làm vui cho thiên hạ. Chẳng bao lâu, tiếng đàn, điệu hát của những nghệ sĩ hát rong đã lan truyền khắp nơi, kể cả những chốn kinh kỳ. Một hôm, vua Trần Thánh Tông nghe tin, liền cho gọi vào, sau khi đàn hát và hỏi gốc tích ngọn ngành, vua liền cho quân gia đi tìm, gọi vào cung người đã sáng tạo ra cây đàn bầu và những điệu hát để vua ban thưởng.
Quốc Đĩnh về triều tâu với vua cha những sự việc đã xảy ra trong những ngày qua, vua cha nổi giận, hạ lệnh xử án chém đầu Quốc Toán để làm gương cho những kẻ khác, nhưng Quốc Đĩnh vốn sẵn lòng nhân ái, sâu nặng tình huynh đệ, đã xin vua cha tha tội cho anh. Vua cha đồng ý, nhưng đuổi Quốc Toán ra khỏi cung đình. Còn Quốc Đĩnh được thần báo mộng, đem viên ngọc quý mài ra, lấy nước rửa mắt, hai con mắt được sáng lại như trước. Những người mù lòa từ đó đều được học tập Quốc Đĩnh, bằng lời ca tiếng đàn, đi khắp đó đây góp phần làm vui cuộc sống quê hương.
Để nhớ ơn Trần Quốc Đĩnh, hằng năm xuân thu nhị kỳ, vào hạ tuần tháng hai và hạ tuần tháng tám âm lịch, những người hát Xẩm cùng nhau tụ hội ở những địa điểm đã định để làm lễ giỗ Tổ nghề hát Xẩm. Truyền thuyết này còn lưu truyền ở các vùng Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phú, Hà Đông...