Mục tiêu và quy trình dạy hát ở Tiểu học và THCS

a) Mục tiêu dạy hát

Học sinh học hát là tiếp xúc với âm nhạc có lời. Mỗi bài hát là một cảm xúc riêng, có nội dung cụ thể về sự vật, hiện tượng, được diễn tả bằng âm nhạc và ngôn ngữ văn học. Mỗi bài hát dạy trong một tiết (Tiểu học là 35 phút, Trung học cơ sở là 45 phút), sau đó được ôn tập trong một vài tiết tiếp theo. Dạy hát nhằm đạt được các mục tiêu sau.

- Mục tiêu về kiến thức: Dạy hát nhằm phát triển năng lực nhận thức của học sinh, học mỗi bài hát giúp các em biết thêm về một vấn đề, về tác giả hoặc đặc điểm riêng của bài hát. Sự phong phú về mặt nội dung trong các bài hát giúp học sinh thêm hiểu biết về cuộc sống. Các hình tượng âm nhạc cũng giúp nâng cao khả năng nhận thức và hiểu biết của các em. Bên cạnh đó, dạy hát còn phát triển năng lực ngôn ngữ, lời ca của bài hát làm vốn ngôn ngữ của học sinh trở nên phong phú và sinh động hơn.

- Mục tiêu về kĩ năng (đây là mục tiêu trọng tâm): Dạy hát nhằm phát triển năng lực âm nhạc của học sinh, giúp các em hát đúng giai điệu và lời ca, biết cách hát tự nhiên, biết lấy hơi, hát rõ lời và thể hiện được sắc thái, tình cảm của bài hát. Dạy hát còn giúp học sinh biết trình bày bài hát theo hình thức đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca, biết hát kết hợp các hoạt động như: gõ đệm, vận động theo nhạc, nhảy múa, biểu diễn hoặc trò chơi…

- Mục tiêu về tình cảm và thái độ: Dạy hát nhằm giáo dục học sinh những tình cảm tốt đẹp, giúp các em thêm yêu thích âm nhạc, có khả năng tham gia ca hát ở trong và ngoài trường học.

            Những mục tiêu trên chỉ đạt được khi học sinh trải qua quá trình học tập lâu dài và đúng hướng, nếu chỉ học 1-2 bài hát thì không thể đạt được những điều đó. Vì vậy khi dạy một bài hát cụ thể, giáo viên phải lựa chọn cách diễn đạt mục tiêu ngắn gọn và rõ ràng hơn trong kế hoạch bài học.

b) Quy trình dạy hát

Một số quy trình dạy hát đã được giới thiệu trong các tài liệu khác nhau, có quy trình rút gọn (3-4 bước), có quy trình chi tiết (8-9 bước). Hiện nay, giáo viên thường dạy hát theo quy trình có 7 bước:

Qui trình dạy hát ở Tiểu học

Qui trình dạy hát ở Trung học cơ sở

- Giới thiệu bài hát

- Đọc lời ca

- Nghe hát mẫu          

- Khởi động giọng

- Tập hát từng câu

- Hát cả bài

- Củng cố, kiểm tra

- Giới thiệu bài hát

- Tìm hiểu về bài hát

- Nghe hát mẫu          

- Khởi động giọng

- Tập hát từng câu

- Hát cả bài

- Củng cố, kiểm tra

 

Thực tế, cách dạy Âm nhạc cần hết sức linh hoạt và mềm dẻo, nên thứ tự các bước trong quy trình dạy hát không phải là bất di bất dịch, đây chỉ là những hoạt động cần thực hiện khi dạy hát. Các bước 1, 2, 3, 4 không nhất thiết phải thực hiện theo trình tự, có thể đưa bước nào lên trước cũng được. Tuy nhiên nên tiến hành tìm hiểu bài hát trước khi nghe hát mẫu, vì:

- Bước 1 (giới thiệu bài hát) do giáo viên thực hiện, bước 2 (tìm hiểu về bài hát) nên để học sinh hoạt động, nhằm phát huy tính tích cực của các em. Bước 3 lại đến hoạt động của giáo viên (hát mẫu) là sự đan xen hợp lí, logic.

- Khi tìm hiểu về bài hát, giáo viên cần giải thích ý nghĩa một số từ khó, ý nghĩa một số câu hát, giúp học sinh hiểu nội dung khi nghe hát mẫu.

- Khi tìm hiểu bài, đôi khi giáo viên có thể hướng dẫn học sinh đọc lời ca theo tiết tấu, nghe hát mẫu sẽ giúp các em củng cố tiết tấu vừa luyện tập.

- Giáo viên giới thiệu chỗ khó hoặc đặc điểm riêng của bài hát, học sinh sẽ cảm nhận được điều này khi nghe hát mẫu.