Nhạc sĩ Hoàng Lân
Đối với lịch sử, thời gian 60 năm chưa phải là dài nhưng cũng đủ để tạo nên nhiều thành tựu với những diện mạo khác nhau cho một hoạt động nào đó trong đời sống xã hội. Nghệ thuật âm nhạc bao gồm nhiều lĩnh vực, từ sáng tác, biểu diễn, đến lý luận, phê bình và đào tạo. Mỗi lĩnh vực đó 60 năm qua đều có những bước phát triển đáng kể. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến những vấn đề có liên quan đến đào tạo, trong đó có việc đào tạo những người làm công tác âm nhạc chuyên nghiệp và những người làm công tác giáo dục thưởng thức âm nhạc.
Tạm chia các mốc thời gian như sau:
-Thời kì hòa bình lập lại từ năm 1954
-Thời kì chiến tranh chống Mỹ cứu nước từ năm 1964
-Thời kì sau khi thống nhất đất nước từ năm1975
-Thời kì đổi mới từ năm 1989 cho đến nay
Khi người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội, thủ đô chúng ta tưng bừng trong không khí náo nức đón chào các anh bộ đội vào tiếp quản. Tiếng hát cách mạng đã vang lên hào sảng trên các ngả đường, bài Tiến về Hà Nội của Văn Cao lan truyền vào từng góc phố, ngõ nhỏ cùng những bài hát như Mùa hoa nở, Pha màu luống cày, Vượt trùng dương của Nguyễn Văn Tý, Vì nhân dân quên mình của Doãn Quang Khải, Hòa bình tươi vui của Huy Du, … cùng với các điệu múa Sạp, Xòe hoa, ca nhạc đã đến với mọi nhà qua những buổi sinh hoạt của các anh bộ đội với thanh niên và thiếu nhi. Tất cả như một luồng gió mới tràn ngập niềm vui đối với mỗi người dân thủ đô sau ngày giải phóng.
Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập, Hội nhạc sĩ Việt Nam ra đời vào năm 1956, thế hệ các nhạc sĩ đầu tiên từ thời Pháp đã được hội tụ. Tại Hà Nội sau 9 năm kháng chiến có các nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Doãn Mẫn, Tô Vũ, Lê Yên, Thái Thị Liên và nhiều nhạc sĩ tên tuổi khác ở miền Nam tập kết ra Bắc lúc đó, như Phan Huỳnh Điểu, Đắc Nhẫn, Trần Kiết Tường, Lưu Cầu, Phan Nhân, Ngô Huỳnh, Hoàng Hiệp, Nguyễn Ngọc Thới, … Các nhạc sĩ Hà Nội trong vùng bị tạm chiếm cũng gia nhập đội ngũ sáng tác âm nhạc, có: Lưu Quang Duyệt, Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác, Nguyễn Văn Quỳ, Tu Mi, Thiện Tơ, Tạ Tấn, …
Từ năm 1956, trường Âm nhạc Việt Nam, cái nôi âm nhạc thuở ban đầu ấy (tiền thân của Học viện Âm nhạc ngày nay) đã đóng vai trò chủ lực đào tạo biết bao thế hệ nhạc sĩ cho Hà Nội và cho cả nước, những lứa học viên đầu tiên là các anh: Hồng Đăng, Vĩnh Cát, Hoàng Việt, Ngô Huỳnh, Hoàng Hiệp, Huy Thục, Tô Ngọc Thanh, Ca Lê Thuần, Lư Nhất Vũ, Vũ Loan, Lê Hàm, Đào Việt Hưng, Đoàn Phi và nhiều nhạc sĩ khác.
Bên cạnh đó, các lớp âm nhạc ngắn hạn do Bộ Giáo dục và Bộ Văn hóa mở cho cán bộ văn hóa, cho các giáo viên khắp vùng miền về Hà Nội đào tạo bồi dưỡng. Các anh Bùi Đình Thảo, Trần Hữu Pháp, Hoàng Long, Hoàng Lân, Phan Trần Bảng, … đều trưởng thành đi lên từ những khóa học này.
Rồi một luồng gió mới thổi về với âm nhạc Hà Nội vào những năm 1960, đó là các nhạc sĩ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài từ sau năm 1954 đã tốt nghiệp, trở về nước làm việc như Hoàng Vân, Huy Du, Phạm Đình Sáu, Chu Minh, Hoàng Đạm, Ngô Sĩ Hiển, Trần Ngọc Xương, Nguyễn Đình Tích, Lê Bích (học ở Trung quốc) và các anh Trọng Bằng, Trần Quý, Quang Hải, Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn, Ca Lê Thuần, Nguyễn Xinh, Tạ Bôn, Bùi Gia Tường, Bích Ngọc, … học ở Liên Xô (cũ) về giảng dạy ở trường Âm nhạc Việt Nam. Chính các nhạc sĩ này đã phát huy những kết quả học tập từ nước ngoài một cách chính qui để đào tạo thế hệ nhạc sĩ kế tiếp như Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Đức Minh, Hoàng Tạo, Hoàng Lân, Phạm Tịnh, Lê Tịnh, Đoàn Bổng, Nguyễn Cường, Phú Quang và lớp nhạc sĩ trẻ tài năng như Đặng Hữu Phúc, Hoàng Lương, Đỗ Hồng Quân, …
Không quên việc bồi dưỡng thẩm mĩ trong công chúng và cho thanh thiếu niên, Hà Nội đã mở trường Sơ cấp Âm nhạc, tiền thân của trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội ngày nay. Bộ Giáo dục đã chú ý đến việc đưa Âm nhạc vào trường phổ thông, bắt đầu bằng việc mở trường đào tạo giáo viên về Sư phạm âm nhạc mà sau là trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương, rồi thành trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương ngày nay, nơi đã đào tạo hàng chục ngàn giáo viên âm nhạc, cung cấp cho Hà Nội và cho cả nước. Hà Nội đã có một số ít trường phổ thông được học âm nhạc từ sau năm 1954. Rồi trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cũng ra đời trên đất Hà Nội, nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nơi đào tạo biết bao thế hệ học sinh, sinh viên hoạt động âm nhạc trong và ngoài quân đội.
Đến thời kỳ chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ từ năm 1964, Hà Nội phải gồng mình chống trả đạn bom quân xâm lược, các cơ quan trường học đều phải đi sơ tán, nơi gần cũng cách Hà Nội 40 km, nơi xa thì đến 80 km. Nhưng không vì thế mà việc học tập âm nhạc bị gián đoạn, trường Âm nhạc Việt Nam, trường Nhạc Họa và trường Sơ cấp Âm nhạc Hà Nội vẫn đảm bảo việc học hành cho học sinh âm nhạc, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã từng tập đàn piano dưới hầm trú ẩn tại nơi sơ tán, chỉ cách một địa điểm bị bom Mỹ tấn công chưa đầy 2 km. Một hế hệ các nhạc sĩ Hà Nội đã học tập ở nơi sơ tán, sống trong hoàn cảnh bom đạn chiến tranh như Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc, Hoàng Lương, Lê Dũng rồi trưởng thành đi lên từ đó.
Từ những năm 1975, khi thống nhất đất nước cho đến trước thời kỳ đổi mới, trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn, thiếu thốn của cơ chế quan liêu, bao cấp, công việc đào tạo âm nhạc vẫn như một dòng sông không ngừng chảy. Có những hướng mới mở ra, số người đi học nước ngoài bằng con đường Nhà nước không nhiều như những năm trước, nhưng cũng không ít. Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất về piano trong “công cua” Chopin thế giới năm 1980, Tôn Nữ Nguyệt Minh đoạt giải nhì trong cuộc thi piano quốc tế Smetana. Sau đó là những thành tựu rực rỡ của giai đoạn tiếp theo, với những giải thưởng quốc tế của các thế hệ sau như Bùi Công Duy, Nguyễn Hoàng Phương và các tài năng thanh nhạc, nhạc cụ khác.
Việc đào tạo giáo viên âm nhạc của ngành giáo dục cũng có những bước phát triển mới, trường Nhạc Họa được Bộ giáo dục nâng cấp thành trường Cao đẳng, mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau giữa các trường đào tạo âm nhạc tại Hà Nội giúp cho chất lượng ngày một nâng cao. Hiện nay, âm nhạc Hà Nội có không ít tiến sĩ, thạc sĩ âm nhạc, làm nền tảng cho việc nâng cấp các trường lên bậc Đại học từ sau năm 2000.
Nhạc viện Hà Nội đi lên nhanh chóng với đội ngũ các giảng viên được đào tạo từ nhiều nguồn, cả ở Mỹ, Thụy Sĩ, Nhật Bản và các nước khác. Lực lượng đó bổ sung vào đội ngũ các thầy được đào tạo từ Nga, Đức, Bungari, Hungari trước đây. Nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ làm việc ở các trường đào tạo âm nhạc được phong danh hiệu Phó giáo sư, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Đó là sự ghi nhận trân trọng của Nhà nước đối với giới Văn học Nghệ thuật nói chung và với giới âm nhạc nói riêng. Một số nhạc sĩ Hà Nội được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và khá nhiều nhạc sĩ được tặng giải thưởng Nhà nước.
Có một quãng thời gian vào cuối thập kỷ 80 và trong thập kỷ 90, các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp tuyển sinh hết sức vất vả thì có một hướng mới được mở ra như một lối thoát cho công tác đào tạo được tiếp tục phát triển. Đó là sự nở rộ các khóa liên kết đào tạo sư phạm âm nhạc cung cấp giáo viên cho ngành giáo dục, Hà Nội đã có 7 đơn vị mở các khoa Sư phạm âm nhạc tồn tại cho đến nay, có thể kể: Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhạc viện Hà Nội, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.
Số giáo viên âm nhạc được đào tạo phục vụ cho ngành giáo dục đến nay gần như đã bão hòa. Nhưng đó lại là tiền đề cho việc nâng cấp để mở tiếp các lớp đào tạo đại học, trên đại học khi các điều kiện về cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đã đông đảo hơn trước đây (chỉ có điều chất lượng như thế nào thì không bàn ở bài viết này).
Nhìn toàn cảnh, về công tác đào tạo những người làm âm nhạc trên đất Hà Nội thì số lượng học sinh, sinh viên ra trường hơn nửa thế kỷ qua là một con số rất lớn. Những năm 60, Hà Nội chỉ có 1 dàn nhạc giao hưởng thì nay đã có 3 dàn nhạc, đó là dàn nhạc Giao hưởng của Học viện Âm nhạc, dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam và dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Các ca sĩ tên tuổi như Lê Dung, Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Thùy Dung, Thái Bảo, Tùng Dương, Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh, Đăng Dương và nhiều nghệ sĩ khác đều trưởng thành từ những cái nôi đào tạo âm nhạc của Hà Nội, họ được phát hiện từ các cuộc thi giọng hát hay của Hà Nội. Rồi tất cả các trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hà Nội đều có giáo viên giảng dạy Âm nhạc. Nhạc viện Hà Nội luôn có học sinh dự các kỳ thi quốc tế, các em nhận được nhiều giải thưởng giá trị, dàn hợp xướng của trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng đã dự thi quốc tế đạt được kết quả rất tốt.
Với 3 mục tiêu của công tác đào tạo là: (1) Nâng cao dân trí; (2) Cung cấp nhân lực; (3) Bồi dưỡng nhân tài, thì đào tạo âm nhạc ở Hà Nội đã góp phần không nhỏ cho các mục tiêu trên.
Nhìn lại, chúng ta thấy có điều gì chưa bằng lòng và phải trao đổi thêm? Xin nêu vài ý kiến sau đây.
Với xu thế hội nhập toàn cầu hóa, với sự phát triển của công nghệ thông tin, với mục tiêu của Đảng và Nhà nước là xây dựng Việt Nam thành một nước công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong tương lai gần, việc xây dựng thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, là trái tim của cả nước, xứng đáng với bề dày ngàn năm văn hiến, thì nghệ thuật âm nhạc phải làm gì?
Ngoài những gì đã đạt được về sáng tác âm nhạc, không chỉ có hàng trăm ca khúc hay và xuất sắc viết về thủ đô Hà Nội thân yêu, cần phải có thêm những tác phẩm lớn hơn để xứng tầm với thời đại, với Hà Nội của tương lai. Đành rằng lúc nào thì ca khúc cũng vẫn là mũi nhọn và có vị thế hết sức quan trọng trong đời sống cộng đồng. Đến nay, cũng có không ít tác phẩm như concerto, giao hưởng, thanh xướng kịch và các hình thức khí nhạc khác viết về Hà Nội, của các tác giả như: Đỗ Hồng Quân, Vĩnh Cát, Đặng Hữu Phúc, Nguyễn Thiếu Hoa, Doãn Nho, Ngô Quốc Tính, Đinh Quang Hợp, Trần Mạnh Hùng, Lê Tịnh, … nhưng vẫn thiếu những tác phẩm nổi bật, để chúng ta được tự hào mỗi khi nhắc đến nó. Theo một thống kê của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, trong 25 năm đổi mới từ 1988-2013, chỉ có khoảng 50 tác phẩm viết cho khí nhạc và hợp xướng của các tác giả Hà Nội.
Lớp nhạc sĩ trẻ hiện nay được đào tạo một cách khá bài bản như: Vũ Nhật Tân, Lương Minh, Đỗ Bảo, Lưu Hà An, Giáng Son, Lê Minh Sơn, Hồ Trọng Tuấn, … Họ được tiếp cận với âm nhạc của nhân loại trong những điều kiện rất thuận lợi, có thể trông cậy vào các bạn trẻ đó với “Niềm tin và hi vọng” mà lớp nhạc sĩ thế hệ trước như chúng tôi đang kì vọng.
Công chúng âm nhạc cũng cần phải được bồi dưỡng để có một thị hiếu thẩm mĩ đúng đắn, bởi trong cơ chế thị trường hiện nay, nhiều giá trị bị đảo lộn, có những giá trị đích thực thì bị xem nhẹ và các giá trị ảo lại lên ngôi, lấn át cả những giá trị chân chính. Đó là nhiệm vụ trọng đại của công tác giáo dục âm nhạc trong xã hội và của các trường học.
Tại sao nhìn vào đời sống âm nhạc hiện nay, ta vẫn thấy còn những điều lộn xộn. Phải chăng vai trò của quản lý văn hóa còn nhiều buông lỏng, bất cập. Cũng phải nhắc đến vai trò cực kỳ quan trọng của các phương tiện truyền thông đại chúng. Muốn có một thị trường âm nhạc lành mạnh thì không thể thiếu vai trò tuyên truyền văn hóa, vai trò của những người làm truyền thông có tâm, có nghề, có hiểu biết nghệ thuật sâu sắc. Việc đào tạo âm nhạc cũng phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Âm nhạc không chấp nhận sản xuất kiểu hàng chợ, hàng nhái, hàng kém phẩm chất và có tính thương mại quá mức.
Hà Nội của thế kỷ 21 với những bước chuyển mình mạnh mẽ, môi trường xã hội thay đổi lớn lao, dân cư ngày càng đông đúc. Đây là trung tâm của những sự kiện lịch sử, những ngày lễ lớn, những sinh hoạt cộng đồng, quốc gia gắn kết với khu vực và giao lưu quốc tế, sức sống của thủ đô đòi hỏi sự đóng góp của âm nhạc ngày càng lớn, càng nhiều.
Nói gì thì nói, cuối cùng vẫn là con người. Chúng ta tự hào vừa phải- đúng mức về những gì đã làm được, đồng thời cùng nghĩ suy để tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất, mang tính đồng bộ cho tương lai âm nhạc thủ đô ngày càng lộng lẫy, tươi sáng hơn, văn hóa âm nhạc thủ đô trong trẻo hơn, “sạch đẹp” hơn!
Hà Nội, mùa thu 2014
Mã an toàn:
Sở hữu và quản lý Website: Lê Anh Tuấn (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Ý kiến bạn đọc