Thần A-pô-lông thi tài với thần Păng
- Thứ bảy - 10/05/2014 16:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này

Thần thoại Hy Lạp
Thần Păng là con của thần Héc-mét và tiên nữ Đri-ô-pê. Thần Păng có hình thù quái gở nửa người, nửa dê. Vừa có sừng lại vừa có đuôi. Păng thầm yêu trộm nhớ nàng Xi-ranh nhưng nàng tiên này rất sợ hãi và luôn lẩn tránh thần Păng.
Một hôm nàng Xi-ranh đi săn, không may bị thần Păng phát hiện ra và đuổi theo. Nhận thấy Păng đang bám theo, Xi-ranh vô cùng sợ hãi, cắm đầu chạy. Păng cũng phóng theo, quyết đuổi cho bằng được. Xi-ranh chạy cho đến khi cùng đường vì một con sông chắn ngang trước mặt. Chạy đâu cho thoát bây giờ? Nàng vội quì xuống cầu khấn thần Sông cứu giúp. Chấp nhận lời cầu cứu của nàng trinh nữ, thần Sông hóa phép biến nàng thành một bụi sậy ven bờ. Khi thần Păng lao tới tưởng ôm được Xi-ranh vào lòng thì chỉ ôm được bụi sậy mềm mại, yếu ớt. Thần Păng buồn thiu, bèn cắt mấy ống sậy ghép lại làm thành cây sáo. Thần Păng gọi cây sáo của mình là Xi-ranh.
Thần Păng rất yêu cây sáo và thổi sáo rất hay. Các tiên nữ Nanh-phơ và những người mục đồng rất say mê tiếng sáo lúc trầm bổng dịu dàng, lúc thánh thót mê say của thần Păng. Hôm nào không được nghe sáo là họ thấy bồn chồn trong dạ. Rừng núi như trống trải, lạnh lẽo hẳn đi. Tiếng sáo của Păng như linh hồn của rừng núi, như bánh ăn và nước uống những những người mục đồng. Vì thế, thần Păng rất tự hào về tài thổi sáo của mình. Păng nảy ra ý định mời A-pô-lông tới để đua tài. Thần A-pô-lông chấp nhận lời mời trân trọng đó. Cuộc thi diễn ra ở sườn núi T-mô-lốt. Thần núi T-mô-lốt được mời làm giám khảo cùng với nhà vua Mi-đát, người nổi tiếng giàu có ở xứ Phri-gi.
Păng biểu diễn trước. Tiếng sáo của Păng cất lên nghe dịu dàng êm ái như đưa tâm hồn mọi người vào cõi mơ mộng. Nghe tiếng sáo, người ta thấy cảnh những chàng mục đồng nằm dài trên bãi cỏ, lơ đãng nhìn bầu trời xanh bên đàn súc vật đang gặm cỏ ngon lành. Păng biểu diễn xong, thần A-pô-lông liền kế tiếp. Tiếng đàn kitar vang lên với biết bao âm điệu phong phú lạ thường. Khúc nhạc mở đầu nghe như bước chân rầm rập của đoàn quân chiến thắng trở về. Khúc sau nỉ non như lời người vợ giãi bày tâm sự với chồng sau bao năm xa cách... Thiên nhiên đắm chìm trong tiếng nhạc huyền diệu của thần A-pô-lông, người khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật cho thần thánh và các thi nhân. Các nàng tiên Nanh-phơ say mê tiếng sáo của Păng đến thế mà cũng lặng người trước tiếng đàn thần thánh của A-pô-lông ...
A-pô-lông biểu diễn xong, thần đưa tay lên ngực cúi chào thần núi T-mô-lốt, vua Mi-đát và những người đã lắng nghe tiếng nhạc của mình. Thần núi T-mô-lốt tiến lại gần, đội lên đầu A-pô-lông vòng nguyệt quế. A-pô-lông đã thắng cuộc một cách xứng đáng. Các tiên nữ Nanh-phơ cũng như những ai chứng kiến cuộc thi đều hoàn toàn tán thành quyết định sáng suốt của thần núi. Nhưng đến lượt vua Mi-đát, ông ta không đội lên đầu A-pô-lông vòng nguyệt quế mà lại trao tặng vòng hoa chiến thắng cho thần Păng. Từ thần núi T-mô-lốt cho đến các tiên nữ Nanh-phơ đều ngạc nhiên, sửng sốt trước phán quyết của Mi-đát, một phán quyết lạ lùng và tỏ ra chẳng hiểu biết gì cả. Còn thần A-pô-lông thì vô cùng tự ái và tức giận. Thần liền cầm hai tai của Mi-đát vừa xoắn vừa kéo cho dài ra. Tai của Mi-đát dài ra thành đôi tai lừa! Từ đó, vua Mi-đát có đôi tai dài như tai lừa.
Thần Păng thua cuộc mặt buồn thiu, lững thững ra về với thế giới non xanh nước biếc, đồng cỏ rừng già của mình. Tuy nhiên không vì thế mà tiếng sáo của Păng kém hay. Nó vẫn làm xôn xao, náo nức trái tim các tiên nữ Nanh-phơ và những người mục đồng ...
Lại nói về vua Mi-đát có đôi tai lừa. Thật là một chuyện vô cùng nhục nhã, xấu xa. Nhà vua chỉ còn cách cho may một chiếc mũ và cứ thế đội lù lù trên đầu ngày cũng như đêm, suốt quanh năm ngày tháng. Nhà vua tưởng như vậy sẽ chẳng ai biết sự thật tệ hại đó. Thế nhưng trên đời này những chuyện xấu xa thật khó mà che đậy được. Người đầu tiên biết chuyện này là bác thợ cạo thường cắt tóc, cạo râu cho nhà vua. Nhà vua dặn bác không được để lộ chuyện, nếu không sẽ bị trừng phạt bằng mọi cực hình. Bác thợ cạo đành ngậm tăm. Nhưng khổ nỗi là chuyện nhà vua có đôi tai lừa cứ đè nặng trong lòng bác thợ cạo. Bác cứ canh cánh trong lòng, ấm ức và bối rối cảm thấy nếu không nói ra sự thật đó thì không thể nào chịu đựng được, không thể sống nổi.
Một bữa khi bác quyết định nói sự thật. Nhưng nói thế nào để không ai nghe thấy kẻo nguy hiểm đến tính mạng. Bác bèn đào một hố sâu xuống đất rồi ghé sát mồm vào hét cho thỏa nỗi ấm ức: “Vua Mi-đát có đôi tai lừa! Vua Mi-đát có đôi tai lừa!”. Xong việc, bác thợ cạo lấp kín hố lại rồi ra về, nhẹ hẳn lòng dạ. Bác thợ cạo tưởng nói xuống lòng đất thì sẽ giữ được bí mật cho nhà vua, té ra không phải. Giống như chiếc mũ không che đậy nổi đôi tai lừa dài ngoẵng của Mi-đát. Gần chỗ bác thợ cạo đào hố có bụi cây sậy. Tiếng hét của bác xuống hố bị rễ cây sậy nghe được, truyền lên. Thế là mỗi khi cơn gió thổi qua, những bụi sậy lại lao xao kháo chuyện với nhau : “Vua Mi-đát có đôi tai lừa!... Vua Mi-đát có đôi tai lừa!...”. Người đi đường nghe thấy lại bàn tán, kể cho nhau biết. Chẳng mấy chốc khắp bàn dân thiên hạ, đâu đâu người ta cũng lưu truyền câu chuyện: : “Vua Mi-đát có đôi tai lừa! Vua Mi-đát chỉ được cái giàu nhưng dốt ơi là dốt, làm vua nhưng ngu ơi là ngu...”.