Một số lưu ý khi dạy bài dân ca ở Tiểu học và THCS

Về khái quát thì dạy bài dân ca ở Tiểu học và Trung học cơ sở cũng tương tự như việc dạy bài hát thiếu nhi hoặc bài hát nhạc nước ngoài. Tuy nhiên, đi sâu vào kĩ thuật thì có một số điểm cần lưu ý:

Qui trình

Những điểm cần lưu ý

Giới thiệu bài hát

Giáo viên nên dùng bản đồ để giới thiệu vị trí địa lí, dùng tranh ảnh để giới thiệu về sinh hoạt văn hoá, sinh hoạt cộng đồng, về phong cảnh các vùng miền. Cần giới thiệu về xuất xứ và nét đặc trưng của bài dân ca (thang âm, các từ đệm, trang phục, động tác múa…) sao cho phù hợp với sự tiếp thu của học sinh, cũng có thể giới thiệu sơ lược về nhạc cụ dân tộc của vùng miền dân ca đó.

Tìm hiểu bài hát

Giáo viên chia các câu hát trong bài dân ca phải hết sức linh hoạt, có thể có câu hát dài, có câu hát ngắn vì bài dân ca Việt Nam thường được xây dựng từ thơ lục bát, lời ca đệm thêm bằng những hư từ nên cấu trúc không cân đối.

Giáo viên cần giải thích cho học sinh hiểu về những từ khó trong bài dân ca, ví dụ: Xoè hoa là múa hoa, Lí cây xanh là khúc hát ngắn về cây xanh, Bắc kim thang là lời bài đồng dao (bản thân từ này không có nghĩa gì), dĩa bánh bò (trong bài Lí dĩa bánh bò) nghĩa là đĩa bánh bò, chẻ tre đan xịa (trong bài Hò ba lí) nghĩa là chẻ tre để đan cái nong, nia, Cò lả diễn tả cánh cò bay chập chờn (con cò cũng là hình tượng người nông dân Việt Nam), bài Cò lả hình thành từ câu ca dao:

Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng

Trời sinh, mẹ đẻ tay không

Cho nên bay khắp tây đông kiếm mồi

Trước là nuôi cái thân tôi

Sau nuôi bọn trẻ nên đời cò con.

Nghe hát mẫu

Nếu có điều kiện, giáo viên nên cho học sinh nghe và xem băng đĩa hình, để các em biết về trang phục và động tác múa hát đặc trưng của từng vùng miền.

Khởi động giọng

Giáo viên nên dùng thang âm của bài dân ca cho học sinh khởi động giọng, qua đó các em biết sơ lược về âm hưởng của bài dân ca, không nên dùng gam trưởng hoặc thứ để khởi động giọng.

Tập hát từng câu

Giáo viên cần hát tăng cường hát mẫu để giúp học sinh hát đúng những chỗ khó, tiếng luyến láy, ngân nghỉ, cũng như thể hiện được sắc thái của bài dân ca.

Hát cả bài

Nếu có điều kiện, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh vừa hát bài dân ca vừa kết hợp với các trò chơi dân gian như: tập tầm vông, nhảy dây, ô ăn quan, chơi chong chóng, tò he, sáo diều…

Củng cố kiểm tra

Ngoài các nhạc cụ quen dùng, nếu có điều kiện, giáo viên nên khai thác hoặc hướng dẫn học sinh sử dụng các nhạc cụ dân tộc để đệm hát cho bài dân ca. Ví dụ dùng các nhạc cụ như cồng, chiêng, đàn t’rưng, tre lắc để đệm cho những bài dân ca Tây Nguyên…