Phương pháp dạy giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Thứ sáu - 15/07/2011 19:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Học sinh Trung học cơ sở được học tập, tìm hiểu về những nhạc sĩ Việt Nam được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và một số nhạc sĩ nổi tiếng trong lịch sử âm nhạc thế giới như Mô-da, Bét-tô-ven, Sô-panh, Trai-cốp-xki.
Dạng bài này, sách giáo khoa thường trình bày theo hai phần, phần thứ nhất giới thiệu về tác giả, phần thứ hai giới thiệu một tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ. Các nhạc sĩ Việt Nam được giới thiệu trong sách giáo khoa Âm nhạc lớp 6, 7, 8, 9 hiện hành là:
- Nhạc sĩ Văn Cao và bài hát Làng tôi.
- Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và bài hát Lên đàng.
- Nhạc sĩ Phong Nhã và bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng.
- Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và bài hát Lúa thu.
- Nhạc sĩ Hoàng Việt và bài hát Nhạc rừng.
- Nhạc sĩ Đỗ Nhuận và bài hát Hành quân xa.
- Nhạc sĩ Huy Du và bài hát Đường chúng ta đi.
- Nhạc sĩ Trần Hoàn và bài hát Một mùa xuân nho nhỏ.
- Nhạc sĩ Hoàng Vân và bài hát Hò kéo pháo.
- Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và bài hát Bóng cây kơ-nia.
- Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn và bài hát Biết ơn Võ Thị Sáu.
- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và bài hát Mẹ yêu con.
Ngoài ra, có bài đọc thêm về hai nhạc sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật là Hoàng Hiệp và Nguyễn Văn Thương.
Với thời lượng khoảng 25 phút, việc giới thiệu tác giả, tác phẩm nhằm cung cấp cho học sinh biết sơ lược về tiểu sử và sự nghiệp âm nhạc của những nhạc sĩ được giới thiệu, biết những đóng góp nổi bật của nhạc sĩ cho nền âm nhạc Việt Nam hoặc thế giới.
Một nhạc sĩ nổi tiếng thường sáng tác được nhiều tác phẩm nổi bật, nhưng sách giáo khoa chỉ chọn và giới thiệu một tác phẩm trong số đó. Vì vậy tác phẩm này cần được giới thiệu kĩ lưỡng và trọn vẹn, tuy nhiên học sinh cần được nghe trích đoạn 2-3 tác phẩm khác sẽ rất tốt cho sự hiểu biết của các em.
a) Giới thiệu về tác giả
Giới thiệu về tác giả là nội dung trọng tâm, chiếm khoảng 2/3 thời lượng khi dạy giới thiệu về tác giả và tác phẩm. Mục tiêu của phần này giúp học sinh nắm được một số thông tin về tác giả như: thân thế, sự nghiệp âm nhạc, tác phẩm nổi bật, phong cách hoặc bút pháp sáng tác, ghi nhận sự đóng góp của nhạc sĩ…
Có nhiều cách dạy giới thiệu về tác giả. Cách thứ nhất, giáo viên yêu cầu học sinh đọc sách giáo khoa để trả lời một số câu hỏi về tác giả, qua đó nắm được những thông tin cần thiết như: sơ lược tiểu sử, tác phẩm nổi bật, đặc điểm âm nhạc và nghe một vài sáng tác tiêu biểu của nhạc sĩ. Ví dụ, giới thiệu về nhạc sĩ Bét-tô-ven, giáo viên yêu cầu học sinh đọc sách rồi đặt một số câu hỏi:
- Bét-tô-ven là ai?
- Những sáng tác nổi bật của Bét-tô-ven?
- Đặc điểm âm nhạc trong những sáng tác của Bét-tô-ven?
Giáo viên kết luận: Bét-tô-ven là nhạc sĩ thiên tài người nước Đức, ông sinh năm 1770 và mất năm 1827. Ông sáng tác hàng trăm tác phẩm, trong đó nổi bật nhất là 9 bản giao hưởng và 32 xô-nát viết cho piano. Hàng trăm năm nay, âm nhạc của Bét-tô-ven đã được phổ biến trên khắp thế giới, tác phẩm của ông được xếp vào hàng kinh điển, mẫu mực, chúng luôn được sử dụng trong các cuộc thi âm nhạc, dùng để biểu diễn, để nghiên cứu và học tập tại các nhạc viện. Đặc điểm chung trong tác phẩm âm nhạc của Bét-tô-ven là sự bùng nổ, mới lạ, giàu tính chiến đấu. Tuy vậy, bên cạnh những sáng tác mang tính mạnh mẽ, bùng nổ, ông sáng tác cả những số tác phẩm rất sâu sắc và trữ tình, để phản ánh nỗi bất hạnh và sự trăn trở trong cuộc đời mình.
Sau đó giáo viên cho học sinh nghe trích đoạn những tác phẩm minh họa cho đặc điểm âm nhạc bùng nổ, mới lạ, giàu tính chiến đấu như: giao hưởng số 5- Định mệnh; giao hưởng số 9- Bài ca hoà bình. Nghe những tác phẩm minh họa cho đặc điểm âm nhạc trữ tình như: Thư gửi Ê-li-dơ; Sô-nát ánh trăng…
Cách thứ hai, các nhóm học sinh nghiên cứu sách giáo khoa và trình bày những thông tin về tác giả. Cách thứ ba, giáo viên giới thiệu về chân dung nhạc sĩ, cung cấp cho các em biết những điều cần thiết, có thể bổ sung những thông tin ngoài sách giáo khoa, rồi đưa ra một bảng dữ liệu để học sinh khẳng định hiểu biết của mình về nhạc sĩ đó. Ví dụ giáo viên yêu cầu học sinh đánh dấu vào ô Đúng hoặc Sai cho phù hợp với thông tin về nhạc sĩ Trai-cốp-xki:
Thông tin về nhạc sĩ Trai-cốp-xki |
Đúng |
Sai |
Trai-cốp-xki sinh năm 1840, mất năm 1893 |
|
|
Trai-cốp-xki là người nước Nga |
|
|
Trai-cốp-xki bắt đầu sáng tác âm nhạc từ năm 7 tuổi |
|
|
Trai-cốp-xki học giỏi cả ngoại ngữ và toán |
|
|
Trai-cốp-xki là tác giả của bài hát Cô gái miền đồng cỏ |
|
|
Trai-cốp-xki là tác giả của 41 bản giao hưởng |
|
|
Điểm chung của những cách giới thiệu trên, sau khi học sinh nắm được một số thông tin về tác giả, giáo viên cần cho các em nghe một số tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ đó, bởi vì điều quan trọng nhất đối với nhạc sĩ sáng tác là giá trị của những tác phẩm. Việc cho các em nghe những tác phẩm nổi bật của họ là điều cần thiết nhất, giá trị hơn mọi lời giới thiệu hoặc phân tích. Để học sinh hiểu và đánh giá đúng vai trò của tác giả, việc lựa chọn tác phẩm cho các em nghe cần được tính toán cho phù hợp và hiệu quả. Ví dụ khi giới thiệu về Mô-da, giáo viên không cần thiết phải cho học sinh nghe nhiều tác phẩm, các em chỉ nghe khoảng 2-3 sáng tác nổi bật (ví dụ đoạn trích trong các bản Hành khúc Thổ-nhĩ-kì, Waltz Favorit, Giao hưởng số 40) với thời lượng 5-7 phút là thích hợp.
Giáo viên sưu tầm và kể một vài mẩu chuyện về cuộc đời của nhạc sĩ cũng là một cách dạy học được nhiều giáo viên áp dụng. Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng vì thời gian thường không đủ để giáo viên kể cho học sinh nghe những câu chuyện dài.
Một ví dụ khác về cách dạy bài giới thiệu về tác giả, nhạc sĩ Trần Hoàn:
- Giáo viên giới thiệu một vài bức ảnh về nhạc sĩ Trần Hoàn: chân dung nhạc sĩ, quê ông ở Quảng Trị, ảnh ông chụp cùng một số ca sĩ, nghệ sĩ…
- Giáo viên chỉ định học sinh đọc phần giới thiệu về nhạc sĩ Trần Hoàn trong sách giáo khoa.
- Giáo viên dùng phương pháp phát vấn:
Giáo viên: Hãy giới thiệu sơ lược về tiểu sử nhạc sĩ Trần Hoàn?
Học sinh: Tên thật của ông là Nguyễn Tăng Hích, ông sinh năm 1928 ở Quảng Trị, mất năm 2003 ở Hà Nội.
Giáo viên: Như vậy ông mất khi bao nhiêu tuổi?
Học sinh: Khi ông 75 tuổi.
Giáo viên: Ông từng được Nhà nước giao cho trọng trách gì?
Học sinh: Ông từng là Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thông tin.
Giáo viên: Kể tên một số sáng tác âm nhạc của ông?
Học sinh: Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Lời ru trên nương…
Giáo viên: Những sáng tác thành công nhất của ông là viết về đề tài nào?
Học sinh: Đề tài Bác Hồ, với các ca khúc như Giữa Mạc-tư-khoa nghe câu hò ví dặm, Thăm bến Nhà Rồng, Lời Bác dặn trước lúc đi xa…
Giáo viên: Nhà nước đã ghi nhận những đóng góp của ông cho nền âm nhạc Việt Nam như thế nào?
Học sinh: Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật.
- Giáo viên minh họa về tác phẩm của nhạc sĩ Trần Hoàn:
+ Giáo viên đàn và hát một đoạn của bài Sơn nữ ca.
+ Theo các em, Sơn nữ ca nghĩa là gì?
+ Nội dung bài hát này nói về điều gì?
Giáo viên tiếp tục minh họa một vài ca khúc khác của nhạc sĩ Trần Hoàn…
b) Giới thiệu tác phẩm
Đây chỉ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ vì thế thời lượng dạy học sẽ ngắn gọn hơn so với phần giới thiệu tác giả. Cách giới thiệu về tác phẩm có thể thực hiện tương tự như với dạng bài nghe nhạc, gồm 4 bước: giới thiệu bản nhạc; nghe nhạc lần thứ nhất; trao đổi về bản nhạc; nghe nhạc lần thứ hai.