Sáng tác âm nhạc cho thanh thiếu niên về đề tài lịch sử, một hướng sáng tác cần được quan tâm

Sáng tác âm nhạc cho thanh thiếu niên về đề tài lịch sử, một hướng sáng tác cần được quan tâm
Mỗi dân tộc, mỗi đất nước đều có chiều dài lịch sử dài ngắn không giống nhau. Lịch sử ấy có thể đầy hào quang chói sáng, có thể có nhiều đau thương mất mát, có thể anh hùng, có thể bi tráng, có thể là những đêm dài nô lệ lầm than, có thể là những vinh quang chiến công. Mỗi công dân, nhất là lớp trẻ và đặc biệt ở lứa tuổi thiếu nhi cần được giáo dục những kiến thức về lịch sử đất nước mình, dân tộc mình để mà trân trọng, tự hào và hướng tới tương lai.

Sáng tác âm nhạc cho thanh thiếu niên về đề tài lịch sử, một hướng sáng tác cần được quan tâm

Nhạc sĩ Hoàng Long- Bài viết cho tọa đàm Sáng tạo âm nhạc về đề tài lịch sử do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức ngày 2-11-2012

 

Đất nước, dân tộc Việt Nam chúng ta trải qua hơn 4000 năm lịch sử với biết bao biến cố thăng trầm, bao hi sinh tổn thất, bao chiến công hiển hách của biết bao thế hệ ông cha để chúng ta tồn tại, đã đứng vững và có độc lập tự do tới ngày hôm nay.

Sáng tạo Văn học- Nghệ thuật về đề tài lịch sử luôn là nguồn cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ từ trước tới nay. Bởi Văn học- Nghệ thuật với những đặc điểm của mỗi loại hình đều có 3 chức năng quan trọng là: nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ, tác động mạnh tới người đọc, người thưởng thức, người tiếp nhận. Ảnh hưởng của những tác phẩm văn học nghệ thuật đối với lứa tuổi thơ bé càng để lại những ấn tượng rất sâu đậm trong tâm trí các em. Tác phẩm về đề tài lịch sử phải là những thông điệp nhằm khơi gợi niềm tự hào dân tộc, ý thức tự lực tự cường, bồi dưỡng cho thế hệ sau nối tiếp truyền thống tốt đẹp của các thế hệ trước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, chống ngoại xâm...

Riêng về lĩnh vực âm nhạc, chúng ta đã có những sáng tạo gì về đề tài lịch sử trong nhiều năm qua?

Xin điểm qua đôi nét, từ trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945, đã có những nhạc sĩ ý thức được cần phải viết những bài hát lịch sử để khơi dậy lòng yêu nước, quyết tâm chống giặc ngoại xâm và đã có những tác phẩm như: Bạch Đằng giang, Hội nghị Diên Hồng (Lưu Hữu Phước), Trên sông Bạch Đằng (Hoàng Quí), Đống Đa, Thăng Long hành khúc (Văn Cao), Đường lên Ải bắc (Đỗ Nhuận), Hòn vọng phu (Lê Thương), Hận dài sông Hát, Trưng nữ Vương, Ải Chi Lăng, Cờ lau tập trận, Hờn sông Gianh... Đó là những sáng tác về những đề tài lịch sử  xa xưa. Thời gian đó các tác giả chưa phân định rõ các bài hát dành cho đối tượng nào, trẻ em hay người lớn, nhưng một số bài đã được phổ biến trong các trường học cho tuổi thiếu nhi mà chúng tôi lúc đó đang là học sinh đã được học, cách đây trên dưới 60 năm và vẫn còn nhớ tới bây giờ.

Đến cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi thời kì chống Mĩ cứu nước, những nhạc sĩ sống trong giai đoạn đó đã có rất nhiều sáng tác thành công góp vào biên niên sử âm nhạc Việt Nam. Sau nhiều chục năm nhìn lại, chúng ta có thể xếp những tác phẩm đó là những tác phẩm thuộc đề tài lịch sử. Ví dụ như: Trường ca sông Lô, Bắc Sơn (Văn Cao), Bài ca chiến thắng Điện Biên Phủ (Đỗ Nhuận), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Mười chín tháng tám (Xuân Oanh), Đoàn Vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Ba Đình nắng (Bùi Công Kì ), Biết ơn Võ Thị Sáu, Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương (Nguyễn Đức Toàn), Cùng anh tiến quân trên đường dài, Bế Văn Đàn sống mãi (Huy Du), Giải phóng quân ta ra đi (Văn Dung- Triều Dâng)... Viết cho thiếu nhi có bài: Kim Đồng (Phong Nhã), Đoàn quân Quang Trung (Xuân Giao), Nguyễn Bá Ngọc người thiếu niên dũng cảm, Tuổi nhỏ đất nước anh hùng (Mộng Lân), Đưa cơm cho mẹ đi cày (Hàn Ngọc Bích), Kơpa Kơlon, người anh hùng tuổi thiếu niên (Hồ Bắc), Chúng em đã gặp chị Võ Thị Sáu (Trần Viết Bính), Em bé Mường La (Trần Ngọc Xương), Vào Đông Khê, Lì và Sáo (Văn Chung), Em lớn lên trong kháng chiến (Phan Vân), Những anh hùng tuổi thiếu niên (Văn Tấn), Từ Ra-dơ-líp đến Pác Bó (Phan Long), Em đi thăm miền Nam (Hoàng Long- Hoàng Lân), Tết mũ rơm chống Mĩ (Lê Bùi)... Ngoài thể loại ca khúc cho người lớn và trẻ em còn có những tác phẩm khí nhạc lớn như Sơn Tinh- Thủy Tinh, Ông Gióng của Nguyễn xuân Khoát, giao hưởng Đuốc sống của Nguyễn Đình Tấn, giao hưởng Đồng khởi của Nguyễn Văn Thương, giao hưởng viết về chiến thắng lịch sử Điện Biên của Hoàng Vân...

Ít năm gần đây, ở thành phố Hồ Chí Minh có phát động một cuộc thi sáng tác âm nhạc về đề tài lịch sử và đã thu được kết quả khả quan. Một số bài hát trong cuộc vận động sáng tác đó đã đi vào đời sống âm nhạc như các bài của Lê Quang, Quang Vinh... được trình diễn trên nhiều sân khấu. Nhiều trường phổ thông của Thành phố Hồ Chí Minh cũng phát động hát "sử ca" trong giáo viên, học sinh, hoạt động đó được sự hưởng ứng của đông đảo thầy trò và cả các bậc phụ huynh.

Nhìn trên bình diện rộng của hoạt động âm nhạc khắp cả nước hiện nay, phải nói rằng ''sử ca" quá vắng bóng, cả sáng tác lẫn biểu diễn.

Không ai nghi ngờ gì về việc cần thiết và ý nghĩa quan trọng của vấn đề giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ. Thế nhưng, lại có những chuyện bi hài trong một vài cuộc thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (để lĩnh bằng tú tài) và những cuộc thi vào đại học, có thí sinh trả lời câu hỏi của môn Lịch sử khiến người chấm bài phải cười ra nước mắt. Ví dụ: Trần Hưng Đạo đánh trận Điện Biên, Lê Lợi đánh đuổi quân Nguyên- Mông, trận Bạch Đằng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy... Và vừa qua, xã hội đã phải gióng lên hồi chuông báo động về việc dạy và học Lịch sử trong nhà trường phổ thông, sự bàng quan với lịch sử dân tộc của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên hiện nay. Người ta đang tìm những biện pháp khắc phục tình trạng đáng buồn và yếu kém này.

Thiết nghĩ Văn học- Nghệ thuật nói chung và nghệ thuật âm nhạc nói riêng, trong giai đoạn hiện tại không thể không quan tâm đến sáng tác và biểu diễn các tác phẩm về đề tài lịch sử. Trước hết phải có thêm nhiều sáng tạo mới, để góp một tiếng nói mạnh mẽ tác động tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Theo chúng tôi, sáng tác âm nhạc về đề tài lịch sử cần phải viết cho cả 2 đối tượng: người lớn và trẻ em. Người lớn viết khác, trẻ em viết khác. Viết cho người lớn, người sáng tác thường nghĩ nhiều đến hiệu quả biểu diễn, dành cho việc thưởng thức là chính, còn nếu viết cho trẻ em chúng ta phải nghĩ nhiều đến việc phổ biến rộng rãi để cho chính các em phải thuộc, phải nhớ và tự hát được. Hàng vạn trường học có thể làm việc đó nhưng điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng tác phẩm. Tác phẩm phải hay, phải hấp dẫn và phù hợp với năng lực của trẻ em thì chúng mới nhớ, mới hát và bài hát có đời sống sẽ thành một hành trang tinh thần theo các em mãi mãi. Làm được vậy quả thật cũng không phải là việc quá  khó!

Về biểu diễn, nên chăng phải làm mới những tác phẩm cũ viết về lịch sử, song song với trình bày những tác phẩm mới sáng tác. Cần lắm những chương trình, những đêm nhạc về đề tài lịch sử trên các sân khấu và các Đài phát thanh, truyền hình, những cuộc thi hát những bài ca về lịch sử!

Đề tài lịch sử là một mảng đề tài khá rộng lớn. Viết về thời kì, giai đoạn lịch sử nào? Viết về nhân vật lịch sử nào? Viết về chiến thắng nào trong lịch sử? Viết về địa danh lịch sử nào? Ngôn ngữ âm nhạc thể hiện ra sao? Viết tác phẩm theo hình thức, thể loại âm nhạc nào là phù hợp và có tác dụng nhất? Viết cho học sinh trong nhà trường thuộc từng cấp học, phải có nội dung và cách diễn tả thế nào cho phù hợp với tâm sinh lí từng lứa tuổi?  Tất cả những cái đó còn tùy thuộc vào sự chọn lựa, tài năng, cảm hứng và nhất là sự đầu tư công sức, trí tuệ của nhạc sĩ. Chỉ riêng việc đưa được nhiều bài hát lịch sử vào các nhà trường phổ thông và cao đẳng, đại học đã là một thành công rất lớn, bởi số lượng công chúng ở những lứa tuổi này lên đến trên dưới 20 triệu người!

 Xin đề xuất vài việc cần làm ngay:

-Tổ chức những cuộc vận động sáng tác âm nhạc về đề tài lịch sử, cho cả người lớn và thiếu nhi.

-Các phương tiện truyền thông đại chúng, các cuộc biểu diễn ca nhạc cần chú trọng có những tác phẩm về đề tài lịch sử; sản xuất các đĩa nhạc chuyên đề bài hát lịch sử, lấy việc để tuyên truyền giáo dục làm mục tiêu chính.

-Chọn lọc những bài hát lịch sử phù hợp với học đường làm thành sách và băng đĩa, đưa vào phổ biến ở các trường học, các Đội Thiếu niên nhi đồng để dạy hát cho học sinh, sinh viên hoặc cho nghe thường xuyên qua hệ thống truyền thanh của mỗi cơ sở.

Bác Hồ đã từng nói: Dân ta phải biết sử ta. Mong rằng giới âm nhạc sẽ có những sáng tạo mới, có nhiều hoạt động biểu diễn để đóng góp có hiệu quả cho công cuộc tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, giáo dục lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước cho các thế hệ công dân Việt Nam hiện tại và tương lai.

Trường ca sông Lô (Văn Cao)- Ánh Tuyết biểu diễn