Vĩnh biệt thầy giáo, nhạc sĩ Cao Minh Khanh!

Vĩnh biệt thầy giáo, nhạc sĩ Cao Minh Khanh!
Nhạc sĩ Cao Minh Khanh sinh ngày 11-8-1945 tại Hà Nội, ông tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã đi dạy học nhiều năm ở các tỉnh Lạng Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Và sau này, nhạc sĩ Cao Minh Khanh là chuyên viên chỉ đạo bộ môn Âm nhạc và văn hóa, văn nghệ trường học của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Vĩnh biệt thầy giáo, nhạc sĩ Cao Minh Khanh!

Nhạc sĩ Bùi Đình Quang- Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

 

Trong chuyến tham quan, du lịch tại Malaysia, nhà giáo, nhạc sĩ Cao Minh Khanh đã mất vào buổi sáng ngày 6-7-2012 vì căn bệnh hiểm nghèo (nhiễm trùng máu) dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa.

Thật là một tin sét đánh đối với gia đình, với những người đồng nghiệp và những người bạn của nhạc sĩ Cao Minh Khanh! Vừa mới hôm nào, chúng tôi còn cùng nhau tham gia Ban giám khảo cho Hội thi giáo viên dạy giỏi môn Âm nhạc THCS ở Hà Nội. Và gần đây nhất, những người đồng nghiệp thân thiết chúng tôi còn cùng tâm tình và đàn hát cho nhau nghe, vậy mà hôm nay nhạc sĩ Cao Minh Khanh đã là người thiên cổ! Trong nỗi buồn này, xin gửi đến các bạn đồng nghiệp một số hình ảnh và thông tin về nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Cao Minh Khanh sinh ngày 11-8-1945 tại Hà Nội, ông tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã đi dạy học nhiều năm ở các tỉnh Lạng Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Và sau này, nhạc sĩ Cao Minh Khanh là chuyên viên chỉ đạo bộ môn Âm nhạc và văn hóa, văn nghệ trường học của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Trong cuốn Mùa xuân tình bạn (50 ca khúc, ca cảnh, hợp xướng, khí nhạc dành cho nhi đồng, thiếu niên, thanh niên và thầy cô giáo) của nhạc sĩ Cao Minh Khanh, nhạc sĩ Hoàng Lân đã viết:

“Say mê âm nhạc từ nhỏ và gắn bó với các hoạt động âm nhạc, ông đã thành công ở nhiều lĩnh vực: biểu diễn, sáng tác và giáo dục âm nhạc.

Người ta cảm nhận được trong âm nhạc của Cao Minh Khanh là sự nhẹ nhàng, mềm mại, trong sáng, giầu chất trữ tình. Đó cũng chính là bản chất vốn có ở con người Cao Minh Khanh: sự tinh tế, tính cẩn trọng và tình cảm đôn hậu. Ham mê học hỏi, khiêm tốn, chân tình và thực sự cầu thị, đó là những đức tính đáng quí mà bạn bè nhận thấy ở con người đáng mến này...

Đi vào âm nhạc không chỉ là sự nhiệt tình, tâm huyết mà hình như đó là cuộc sống, là hơi thở với tất cả sức lực và thời gian ông dành cho nó. Chính vì thế, nhạc sĩ Cao Minh Khanh đã gặt hái được nhiều kết quả trong quá trình lao động nghệ thuật và trong công tác, được nghi nhận bởi:

Các buổi trình diễn lớn về Ghi ta và công việc chuyển soạn nhiều tác phẩm cho cây đàn này, điển hình là cuốn “10 tác phẩm âm nhạc Việt Nam chuyển soạn cho Ghi ta” đã được giải thưởng công trình của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng năm 2008.

300 ca khúc viết cho các lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng của nhạc sĩ đã được in ấn, sử dụng, phổ biến, đặc biệt là ở các trường học Hà Nội. Bên cạnh đó là một số bản hợp xướng, nhạc cảnh, ca cảnh, tiểu phẩm, nhạc không lời. Với các hoạt động giáo dục nghệ thuật, biên soạn tài liệu phục vụ cho giảng dạy Âm nhạc ở Thủ đô, ông đã góp phần không nhỏ để môn Âm nhạc có vị trí xứng đáng trong giáo dục toàn diện. Ông còn được nhận những tấm huy chương, Bằng khen, Giấy khen của rất nhiều tổ chức, nhiều cấp, ngành từ trung ương đến địa phương...”

Với sự đam mê âm nhạc, với đức tính cần cù, bền bỉ, dẻo dai, nhạc sĩ Cao Minh Khanh đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục âm nhạc của Thủ đô nói riêng và của Việt Nam nói chung. Ông ra đi vào một ngày hè và ở một nơi xa, nhưng những bài hát của nhạc sĩ vẫn vang vọng đâu đây, xen giữa những tiếng ve, xen giữa những khoảng sân trường ngập lá...

Nhạc sĩ Cao Minh Khanh không còn nữa nhưng hình ảnh, tâm hồn và các tác phẩm âm nhạc của ông vẫn luôn đồng hành với chúng ta trên con đường giáo dục âm nhạc đối với thế hệ trẻ tương lai...

Cầu mong nhạc sĩ Cao Minh Khanh yên giấc ngàn thu!

Chiều Hà Nội, 6-7-2012

Nhạc sĩ Cao Minh Khanh (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp

 

Sao anh vội ra đi - Người nhạc sĩ tài hoa

Nhạc sĩ Bùi Anh Tú- Bộ Giáo dục và Đào tạo

 

Một ngày thứ Sáu cuối tuần. Sáng nay điện thoại báo có tin nhắn. Vẫn như hàng ngày, nghĩ đó là  những tin nhắn của bạn bè, cơ quan, đồng nghiệp trao đổi về công việc… Nhưng hôm nay, một tin nhắn thật đột ngột và đau lòng, không thể nào tin được nữa!

Nhạc sĩ Lê Anh Tuấn (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhắn tin báo nhạc sĩ Cao Minh Khanh mất ở tại Malaysia rồi. Sao lại thế nhỉ? Vừa cách đây mấy tuần còn gặp anh trong nhóm các nhạc sĩ ngành giáo dục, còn đi liên hoan nói chuyện và uống bia cơ mà. Anh vẫn vui, nói chuyện và còn hẹn gặp nhau nữa, vẫn có nhiều dự định công việc với anh, có thấy anh nói có bệnh gì đâu?

Nhưng sự thật vẫn là sự thật... Tin nhắn vẫn còn đây, không thể nhầm được. Và rồi sáng nay lại có một số điện thoại lạ nữa nhắn tin báo nhạc sĩ Cao Minh Khanh mất rồi. Vậy anh đã ra đi thật rồi sao? Đột ngột quá, anh Cao Minh Khanh ơi!

Buồn quá, đau lòng quá, nước mắt cứ trào ra… Từ khi nghe tin, không lúc nào không nghĩ về anh. Dù làm việc gì, ngay cả lúc ngồi đàn, với những giai điệu tuyệt đẹp của Mozart, Betthoven hay của Chopin…thì  những ý nghĩ, những hình ảnh của anh vẫn cứ ám ảnh với tôi, nhạc sĩ Cao Minh Khanh.

 Vẫn còn đây rất nhiều những kỉ niệm về anh. Trên giá sách vẫn còn nguyên những cuốn sách in những tác phẩm âm nhạc mà anh đề tặng. Vẫn còn đây những bức ảnh rất mới, vừa chụp chung với anh…Vẫn còn đây một cuốn băng mà tôi cùng anh, nhạc sĩ Hà Hải, nhạc sĩ Vũ Trọng Tường trong buổi giao lưu ca nhạc thiếu nhi của Đài Truyền hình Việt Nam. Tôi đang có ý định lưu giữ những tư liệu đó lại nhưng khi cầm trên tay cuốn băng đó, đã 3 lần định cho vào máy tính để mở ra nhưng rồi lại cất đi không dám mở nữa, vì không dám nhìn vào những hình ảnh của anh thật giản dị, gần gũi và chân thật biết bao.

Vừa cách đây mấy tháng còn rong ruổi cả tháng trời với anh trong Ban Giám khảo chấm thi giáo viên giỏi Thành phố Hà Nội, hơn một tháng ngồi cùng anh trên xe ô tô và cùng làm việc, ăn uống vui vẻ cùng anh…   

Là một người có may mắn được gần gũi và làm việc với anh trong nhiều năm qua mới thấy anh là một con người tài hoa, nhưng rất giản dị, đức độ và khiêm tốn, đáng quý trọng biết nhường nào. Là người yêu thích cây ghi-ta từ nhỏ và cũng đã một thời theo đuổi nghiệp ghi-ta nên tôi rất ngưỡng mộ anh - một cây ghi-ta có hạng của Hà Nội cũng như của Việt Nam vào những thập kỉ 70-80 của thế kỉ trước. Anh là người biểu diễn ghi-ta cổ điển và chuyển soạn nhiều tác phẩm cho đàn ghi-ta, những tác phẩm đó đã trở nên kinh điển và đóng góp trong kho tàng những tác phẩm ghi-ta Việt Nam thêm phong phú, đa dạng và nhiều màu sắc hơn. Còn nhớ năm 1995 khi còn làm biên tập Âm nhạc tại Nhà xuất bản Âm nhạc (Bộ Văn hóa-Thông tin) tôi được biên tập Album của nhạc sĩ Cao Minh Khanh do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tài trợ. Được gần gũi và làm việc với anh, càng hiểu anh hơn, thấy được lĩnh vực sáng tác của anh thật là phong phú, từ những tác phẩm khí nhạc, chuyển soạn cho đàn ghi-ta cho đến nhạc cho hoạt cảnh, ca cảnh, phim hoạt hình, các bài tham luận, bài báo về âm nhạc và đặc biệt những ca khúc và hợp xướng… Và có làm việc, tiếp xúc với anh mới biết anh rất say mê, cẩn thận, kĩ tính trong âm nhạc và cũng rất cầu thị, trân trọng, yêu quý với mọi người.

Lần gần đây nhất cùng chấm thi giáo viên giỏi của Hà Nội cùng anh, hôm đó một số thành viên Ban Giám khảo có việc đột xuất phải nghỉ đi công tác. Cũng đúng hôm đó, anh muốn xin nghỉ chấm thi (hình như hôm đó là đầy tháng hoặc đầy năm của cháu nội anh). Nếu mà thêm anh nghỉ nữa thì hôm đó Ban Giám khảo không đủ thành phần tối thiểu theo quy định. Anh cứ băn khoăn, lo lắng mãi. Và chúng tôi bàn nhau, cuối cùng tôi đổi được vé, hoãn chuyến bay chiều hôm đó và ở lại chấm thi thay anh. Tối hôm đó tôi sẽ bay vào Thành phố Hồ Chí Minh chuyến đêm để sáng hôm sau vẫn làm việc được kịp thời. Biết như thế anh vui lắm vì anh được ở nhà với gia đình mà công việc vẫn không ảnh hưởng gì. Thế mới biết anh rất có trách nhiệm với công việc và cũng luôn dành hết tình cảm yêu thương nhất cho những người thân yêu trong gia đình.

Trong nhiều năm làm công tác ở Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu, anh là người chỉ đạo âm nhạc, đã đóng góp cho phong trào giáo dục âm nhạc của Thủ đô với những sáng kiến, những định hướng giảng dạy âm nhạc trong nhà trường cũng như đã tổ chức xây dựng phong trào văn nghệ của học sinh Thủ đô khởi sắc và đạt nhiều giải thưởng lớn trong các Hội diễn học sinh toàn quốc. Anh là người đã có công phát hiện, bồi dưỡng nhiều học sinh Thủ đô và những em đó sau này đã trở thành những tài năng âm nhạc của nước nhà.

Không chỉ là nghệ sĩ ghi-ta, một người thầy, một cán bộ chỉ đạo âm nhạc của Thủ đô, có lẽ mãi mãi về sau các thế hệ học sinh, thiếu nhi cả nước sẽ hát mãi và không thể nào quên những ca khúc đã đi vào cuộc sống của anh như: Mùa xuân tình bạn, Chiều thu nhớ trường, Bâng khuâng tuổi hồng, Bên nhau ngày vui, Hành khúc mùa hè, Vườn trường mùa thu…

Anh Cao Minh Khanh ơi! Anh đã ra đi rồi sao?

Vẫn còn nợ anh nhiều lắm...

Còn nợ anh về những cuộc hẹn sẽ cùng anh uống bia, nói chuyện. Anh là người rất thích gặp gỡ, giao lưu vui cùng bạn bè, đồng nghiệp, thích ngồi uống bia hơi Hà Nội mặc dù anh không bao giờ uống nhiều và say...

Còn nợ anh, vì anh đã có ý muốn xuất bản cho anh Tuyển tập nhạc sĩ Cao Minh Khanh nhưng chưa làm được. Nhưng cũng rất may anh đã tự làm được điều đó - Một tuyển tập toàn bộ các tác phẩm gồm nhiều thể loại âm nhạc và những hình ảnh về cuộc đời hoạt động của anh… Anh rất vui, trân trọng kí tặng các anh em, bạn bè và đồng nghiệp…  

Mới đây thôi, vậy mà anh đã ra đi!

Mới mấy tháng gần đây thôi, trong lần liên hoan, anh có kể là vừa mới đi viếng đám tang nhạc sĩ ghi-ta Tạ Tấn, một trong các cây đại thụ của ghi-ta Việt Nam và cũng là người thầy đáng kính của anh.

Và hôm nay… không thể nào ngờ được nữa - Anh em, bạn bè đồng nghiệp, các thế hệ giáo viên và học sinh Thủ đô lại phải vĩnh biệt thêm một nghệ sĩ ghi-ta của Việt Nam - Thầy giáo - Nhạc sĩ Cao Minh Khanh.

Vô cùng thương tiếc và chia buồn cùng gia đình anh!

Hà Nội, 7-7-2012

Bài hát Chiều thu nhớ trường, một trong nhiều sáng tác của nhạc sĩ Cao Minh Khanh