Chuyện về Tư Mã Tương Như

Đăng lúc: Thứ tư - 23/09/2015 16:21 - Người đăng bài viết: anhtuan
Chuyện về Tư Mã Tương Như

Chuyện về Tư Mã Tương Như

Từ lâu Trác Văn Quân đã ngưỡng mộ tài nghệ của Tư Mã Tương Như, nàng bèn núp sau mành nghe trộm, từ tiếng đàn thiết tha, đắm đuối, nàng đã lĩnh hội được tình tứ của Tư Mã Tương Như ...

Chuyện về Tư Mã Tương Như

Tư Mã Tương Như, tự Tràng Khanh, người thời Tây Hán, sống ở Thành Đô, nổi tiếng là người rất đa tài, văn hay, đàn giỏi. Gia cảnh Tư Mã Tương Như nghèo khó, nhưng chàng nuôi ý chí phải làm việc lớn cho đất nước.

Từ nhỏ, Tương Như giao thiệp rộng rãi, được người người ngưỡng mộ, trong đó, không thiếu những bậc giai nhân, quyền quí. Nhưng bản tính thích cuộc sống tự do tự tại, Tương Như không vội vàng trong chuyện thành gia lập thất.

Khi xa quê lên Tràng An để lập công danh, đến con sông đầu làng, Tương Như viết trên cầu một câu: "Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử kiều" (Không ngồi xe cao bốn ngựa, không qua lại cầu này nữa).

Thời Hán Cảnh Đế, Tương Như qua chơi nước Lương, chàng viết bài Ngọc như ý. Chẳng bao lâu bản nhạc đến tai vua Lương. Lương Vương rất tâm đắc với tài nghệ của Tương Như, liền ban cho chàng cây đàn cổ quý hiếm mang tên Lục Kỳ, trên khắc bốn chữ Đồng tử hợp tinh. Sau khi Lương Vương qua đời, thì Tư Mã Tương Như cũng mất đi chỗ dựa, đành phải lang thang đó đây. Ðến đâu, Tương Như cũng dùng bút mực và cây đàn để giao thiệp bằng hữu. Trong thời gian này, chàng đến ở nhờ nhà người bạn thân của mình tên là Vương Cát, tại một huyện nhỏ biên giới Tứ Xuyên.

Ở đó có một đại phú thương tên là Trác Vương Tôn, ông này có con gái tên Trác Văn Quân, mới 17 tuổi. Văn Quân xinh đẹp khó ai bì kịp, không những giỏi chơi đàn, mà còn có tài làm thơ nữa. Vương Tôn vốn định gả con gái Văn Quân cho Nhất Hoàng Tôn, không ngờ lễ cưới chưa thành thì Hoàng Tôn đã mất sớm, Trác Văn Quân trở thành góa bụa, ở lại phụng dưỡng cha.

Một hôm, Trác Vương Tôn mời Vương Cát đến nhà chơi. Tư Mã Tương Như cũng được mời đến dự cùng bạn mình. Trong bữa tiệc, việc làm những bài từ và gảy đàn để góp vui cho bầu không khí là không thể thiếu được. Được biết con gái ông Trác Vương Tôn tài sắc vẹn toàn, Tư Mã Tương Như liền gảy bản nhạc Phượng cầu hoàng (Chim phượng trống tìm chim phượng mái).

Chim phượng, chim phượng về cố hương

Ngao du bốn bể tìm chim hoàng

Thời chưa gặp chừ, luống lỡ làng

Hôm nay bước đến chốn thênh thang

Có cô gái đẹp ở đài trang

Nhà gần người xa não tâm tràng

Ước gì giao kết đôi uyên ương

Bay liệng cùng nhau thỏa mọi đàng.

Từ lâu Trác Văn Quân đã ngưỡng mộ tài nghệ của Tư Mã Tương Như, nàng bèn núp sau mành nghe trộm, từ tiếng đàn thiết tha, đắm đuối, nàng đã lĩnh hội được tình tứ của Tư Mã Tương Như. Khúc Phượng cầu hoàng nổi tiếng của tài tử đã làm say lòng giai nhân. Cũng từ khúc nhạc này, Trác Văn Quân quyết tâm bỏ vành khăn tang thờ người chồng đã chết được nửa năm, đi theo tiếng gọi con tim.

 

Không lâu sau, Tư Mã Tương Như và Trác Văn Quân đã đem lòng yêu nhau thắm thiết, nhưng lại bị ông Trác Vương Tôn phản đối kịch liệt. Rồi một đêm, hai người liền cùng nhau bỏ trốn Thành Đô- quê hương Tư Mã Tương Như, sống một thời gian nhưng nhà quá nghèo, gió lộng bốn bề, nên lại trở về Lâm Cùng, mở quán bán rượu.

Văn Quân lấy đồ trang sức của mình mang theo đi cầm cố để làm kế sinh nhai. Nàng phải ủ men, bán rượu, còn Tương Như thì đi làm công. Tin này đến tai cha của Trác Văn Quân, vì sĩ diện nên ông liền cho người hầu đến nhà con gái mình, rồi cho tiền vàng bạc triệu, lại thêm rất nhiều của hồi môn, từ đó đời sống của hai người trở nên giàu có, an nhàn, có thể uống rượu làm thơ, đàn hát suốt ngày.

Sau thời Hán Cảnh Đế, Hán Vũ Đế lên ngôi, sau khi nghe bản nhạc của Tư Mã Tương Như, Vũ Đế lấy làm thích, bèn triệu Tương Như ra Tràng An. Tương Như vào đến đất Thục, quan lại từ dưới đến Thái thú đều ra tận ngoài thành tiếp rước. Trác Vương Tôn bấy giờ không còn dám khinh thường chàng rể nữa. Tương Như rời xa người vợ hiền, tiến vào đất đô thành, ngày ngày bận rộn việc quan dân, tối tối được vây quanh bởi những bậc phong lưu chốn kinh thành.

Bằng tài trí của mình, Tư Mã Tương Như sáng tác bài Thượng lâm phổ, ca ngợi quang cảnh hoành tráng khi nhà vua săn bắn. Hán Vũ Đế ưa được kể công cho nên rất thích, liền phong Tư Mã Tương Như làm chức Lang Quan. Thế là Tư Mã Tương Như nguyện bút mực bấy lâu, hài lòng ở lại Tràng An, còn Trác Văn Quân thì vẫn ở Thành Đô, cô đơn, lẻ loi sống trong căn nhà lạnh lẽo, kiên tâm đợi chồng trở về.

Cuộc sống phồn hoa khiến Tương Như dần quên thê tử nơi quê nhà, trong khi Văn Quân ngày đêm vò võ ngóng trông. Những bức thư cứ thưa thớt dần, thậm chí, Tương Như còn có ý định lập thêm thê thiếp. Có lần, Văn Quân nhận được bức thư từ chồng, chỉ vẻn vẹn vài chữ: “Một hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười trăm ngàn vạn”. Tư Mã Tương Như có ý chỉ sự xa cách giữa hai người, đồng thời muốn thử thách người vợ tào khang của mình, như muốn xem nàng còn xứng với một tài tử bậc nhất chốn kinh thành hay không. Lạnh lẽo chốn quê nhà, lòng người cũng buốt giá, khi cầm bức thư đòi phải hồi âm ngay, Trác Văn Quân đã cầm bút thảo một mạch và gửi ngay cho người đem thư tới kinh thành khi thư còn chưa ráo mực.

Sau khi một biệt, lòng gởi hai nơi

Chỉ hẹn rằng ba bốn tháng

Nào ngờ lại năm sáu năm

Bảy dây trống trải đàn cầm

Tám hàng thư không thể gởi

Chín mối bội hoàn dang dở

Mười dặm trường đình mỏi mắt ngóng trông

Trăm tương tư, ngàn dằn vặt

Muôn chung nào nỡ oán chàng

Vạn lời ngàn tiếng nói sao đang

Trăm cô liêu tựa mười hiên vắng

Mùng chín tháng chín lên cao trông lẻ nhạn

Tháng tám trung thu tròn trăng chẳng thấy người

Tháng bảy nửa vầng hương cầm đuốc hỏi ông trời

Tháng sáu phục hiên ai ai lay quạt lạnh lòng ai

Tháng năm lửa lựu lập loè sầm sập mưa dầm hoa tả tơi

Tháng tư tỳ bà lạnh vắng người toan soi gương tâm ý loạn

Chợt hối hả tháng ba hoa đào theo nước trôi

Tháng hai gió gảy tiếng rã rời

Ôi chàng, chàng ơi

Nguyện cho được sau một kiếp

Chàng thành nhi nữ để thiếp làm phận trai

Sau khi nhận được bức thư hồi đáp, đọc những dòng thư thấm đẫm nỗi lòng người phương xưa, mỗi câu, mỗi vần đều được sử dụng khéo léo từ những từ ngắn ngủi mà mình đã gửi, Tương Như không khỏi xúc động, nghĩ về tình nghĩa phu thê. Ông không khỏi khâm phục người vợ tài sắc của mình và thấu hiểu hơn nỗi lòng người phương xa. Sau đó không lâu, Trác Văn Quân còn gửi đến chồng bài thơ Bạch đầu ngâm, trong đó có câu: “Mong được tấm lòng chàng, bạc đầu không chia cách”.

Đọc bài thơ đầy thương cảm của vợ, Tư Mã Tương Như hết sức cảm động, nhớ lại quãng năm tháng hai vợ chồng, đồng cam cộng khổ, đầy nghĩa tình với nhau. Tư Mã Tương Như từ quan, quay về Thành Đô, đoàn tụ cùng vợ. Hai người chung sống bên nhau đến bạc đầu. Chuyện tình cũng những vần thơ mà Trác Văn Quân gửi cho chồng, vẫn được người đời sau đọc với tất cả sự ngưỡng mộ và đồng cảm.

 

 

Từ khóa:

n/a

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Rss Feed



Ảnh đẹp

video



Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 2
  • Hôm nay: 36
  • Tháng hiện tại: 11337
  • Tổng lượt truy cập: 5613197

Chuyên Mục

Sở hữu và quản lý Website: Lê Anh Tuấn (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo)