Định hướng về đổi mới giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông Việt Nam sau 2015

Đăng lúc: Thứ tư - 02/01/2013 09:17 - Người đăng bài viết: anhtuan
Định hướng về đổi mới giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông Việt Nam sau 2015

Định hướng về đổi mới giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông Việt Nam sau 2015

Hiện nay, mỗi năm có hàng triệu HS từ lớp 1 đến lớp 9 đang được học Âm nhạc một cách có hệ thống và khoa học, theo Chương trình và bộ sách giáo khoa được sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

(Tham luận Hội thảo khoa học quốc gia về giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông Việt Nam, tháng 12- 2012)

ThS. Nhạc sĩ Lê Anh Tuấn

Trưởng phòng Nghệ thuật- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

I. THÀNH TỰU VÀ HẠN CHẾ CỦA GIÁO DỤC ÂM NHẠC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG VIỆT NAM HIỆN NAY

1.1. NHỮNG THÀNH TỰU CỦA GIÁO DỤC ÂM NHẠC

Trong bối cảnh và điều kiện thực tiễn của nền giáo dục Việt Nam, những thành tựu mà giáo dục Âm nhạc đã đạt được là:

- Thành tựu về hiệu quả giáo dục Âm nhạc: Hiện nay, mỗi năm có hàng triệu HS từ lớp 1 đến lớp 9 đang được học Âm nhạc một cách có hệ thống và khoa học, theo Chương trình và bộ sách giáo khoa được sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Giáo dục Âm nhạc là lĩnh vực có tuổi đời còn non trẻ, từ năm 2002, dạy học Âm nhạc trong trường Tiểu học và Trung học cơ sở mới được triển khai đại trà, dù trước đó, nhiều trường Tiểu học, THCS và có cả một số trường Trung học phổ thông đã tổ chức dạy học Âm nhạc, nhưng phạm vi không rộng, nơi nào có điều kiện thì mới thực hiện. Giáo dục Âm nhạc hiện nay đang hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, đó là góp phần giúp HS phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mĩ, góp phần hình thành và phát triển các năng lực nhận thức, năng lực ngôn ngữ, năng lực hợp tác, năng lực cảm thụ thẩm mĩ, năng lực thực hành và sáng tạo nghệ thuật. Môn Âm nhạc với đặc trưng là âm thanh, tiếng đàn, tiếng hát, là vận động, nhảy múa, vui chơi, biểu diễn, ... mang đến không khí vui tươi, sôi nổi trong nhà trường, mang đến cho HS sự cân bằng giữa học tập và vui chơi, giữa lao động trí tuệ và giải trí, làm các em thấy hào hứng hơn khi đến trường và học tập. Nhu cầu học tập Âm nhạc của HS ngày càng lớn, ở những trường có GV chuyên trách về Âm nhạc, hầu hết HS đều yêu thích môn học này. Ngoài ra, giáo dục Âm nhạc còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào văn nghệ trong trường TH và THCS, làm đời sống văn hóa và tinh thần của HS phát triển ngày càng thêm phong phú.

- Thành tựu về Chương trình giáo dục Âm nhạc: Chương trình Giáo dục phổ thông môn Âm nhạc được ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình đã trình bày được những vấn đề quan trọng nhất, khái quát nhất về việc giáo dục Âm nhạc trong trường phổ thông ở Việt Nam, là tài liệu có tính pháp lí để xác định về vai trò, vị trí của giáo dục Âm nhạc trong nhà trường. Chương trình có cấu trúc chặt chẽ và hợp lí, gồm 6 phần: Vị trí; Mục tiêu; Quan điểm xây dựng và phát triển chương trình; Giải thích, hướng dẫn; Chuẩn kiến thức, kĩ năng. Chương trình Giáo dục phổ thông môn Âm nhạc đã đảm bảo được tính khoa học (chính xác, hiện đại, cập nhật, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam), đảm bảo tính sư phạm (phù hợp tâm, sinh lí lứa tuổi học sinh, thể hiện sự tích hợp, liên môn, phân hoá, tổ chức các mạch nội dung phù hợp, hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá kết quả học tập, phù hợp giữa lí thuyết và thực hành), đảm bảo tính khả thi (phù hợp giữa nội dung với thời lượng, phù hợp với trình độ GV, cơ sở vật chất, vùng miền). Trong chương trình, các mạch nội dung dạy học Âm nhạc cho từng độ tuổi, cho từng lớp được lựa chọn và sắp xếp khoa học, phù hợp với năng lực tiếp thu của học sinh Việt Nam. Chương trình môn Âm nhạc chú trọng phát triển kĩ năng thực hành của HS (ca hát, vận động, nhảy múa, biểu diễn, đọc nhạc…) nên phát triển được năng lực âm nhạc và tính tích cực của học sinh.

- Thành tựu về nội dung giáo dục Âm nhạc: hiện nay, môn Âm nhạc được dạy từ lớp 1 đến lớp 9, với thời lượng mỗi tuần 1 tiết (riêng lớp 9 chỉ học trong 1 học kì). Môn Âm nhạc có các nội dung sau:

TT

Nội dung

Lớp

1

Học hát (bài hát thiếu nhi, dân ca, bài hát nước ngoài)

Từ lớp 1 đến lớp 9

2

Phát triển khả năng âm nhạc- Âm nhạc thường thức (kể chuyện âm nhạc, giới thiệu nhạc cụ, nghe nhạc, giới thiệu tác giả, tác phẩm, hình thức biểu diễn, đời sống âm nhạc, ...)

Từ lớp 1 đến lớp 9

3

Tập đọc nhạc (giọng Đô trưởng, La thứ,...)

Từ lớp 4 đến lớp 9

4

Nhạc lí (các loại nhịp, kí hiệu âm nhạc, kiến thức nhạc lí khác...)

Từ lớp 6 đến lớp 9

 

Xác định những nội dung trên của môn Âm nhạc là phù hợp với năng lực của GV và HS, phù hợp với điều kiện dạy học của trường TH và THCS. Những nội dung trên còn thể hiện rõ đặc trưng của nghệ thuật âm nhạc. Có thể thấy rằng, lựa chọn nội dung phù hợp làm cho việc dạy học Âm nhạc trở nên nhẹ nhàng, không tạo áp lực hoặc sự quá tải cho HS.

- Thành tựu về sách giáo khoa Âm nhạc: Lần đầu tiên, ở Việt Nam có 1 bộ SGK Âm nhạc được biên soạn thống nhất (về mục tiêu, nội dung, cấu trúc...) từ lớp 1 đến lớp 9. Sách giáo khoa Âm nhạc được thiết kế đẹp về hình thức, phong phú về nội dung, đảm bảo tính khoa học, tính hệ thống và tính giáo dục, phù hợp với đặc trưng của môn Âm nhạc. SGK được biên soạn bám sát thực tiễn nên có tính khả thi, dễ sử dụng, nội dung có độ chính xác cao, cập nhật, kênh hình kênh chữ hài hòa, cân đối, đảm bảo thẩm mĩ. Nội dung tất cả các bài học (lí thuyết và thực hành) trong SGK được sắp xếp từ dễ đến khó, bên cạnh đó, sách chú trọng phát triển kĩ năng thực hành nên hầu hết học sinh Tiểu học và THCS đều tiếp thu được kiến thức và yêu thích môn Âm nhạc.

- Thành tựu về phát triển đội ngũ giáo viên Âm nhạc: năm 2002, khi bắt đầu triển khai thay SGK dạy học Âm nhạc đại trà, chỉ có khoảng 35% số trường TH và THCS có GV chuyên trách dạy Âm nhạc. 10 năm sau, số lượng GV Âm nhạc đã tăng đáng kể, đáp ứng khoảng 90% nhu cầu của các trường.

Thông tin về số lượng GV (biên chế và hợp đồng) dạy Âm nhạc ở Tiểu học và THCS trong phạm vi toàn quốc:

Năm

Tiểu học

THCS

Tỉ lệ

(số GV / số trường)

Số GV

Số trường

Số GV

Số trường

2002

(4.500)

(12.000)

(3.500)

(9.500)

(35 %)

2010

9.874

15.157

9.932

10.769

80 %

2012

14.918

15.781

(10.500)

(11.000)

(90 %)

(trong ngoặc đơn là số liệu gần đúng)

- Thành tựu về phương tiện dạy học Âm nhạc: phương tiện dạy học Âm nhạc ngày càng phong phú, được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Trong các giờ học Âm nhạc, GV đã khai thác tốt hiệu quả của đàn phím điện tử, máy nghe, đĩa nhạc, tranh ảnh minh họa, ... còn HS thì sử dụng thuần thục những nhạc cụ gõ như thanh phách, song loan, trống con, mõ... Khoảng 10 năm trước, việc sử dụng giáo án điện tử còn rất xa lạ thì giờ đây, có khoảng 80% GV Âm nhạc đã biết thiết kế giáo án điện tử hoặc biết khai thác thông tin trên mạng Internet để nâng cao chất lượng dạy học Âm nhạc. Từ năm 2009 đến nay, công ty nhạc cụ Booyoung của Hàn Quốc đã tặng các trường Tiểu học ở Việt Nam 10.000 cây đàn piano điện, số lượng nhạc cụ này đang góp phần đem lại những hiệu quả tích cực cho việc giáo dục Âm nhạc ở Tiểu học.

- Thành tựu về phương pháp dạy học Âm nhạc: phương pháp dạy học Âm nhạc đang có những chuyển biến tích cực so với thời gian trước. Việc GV truyền tải kiến thức và kĩ năng âm nhạc cho HS trở nên dễ dàng và hiệu quả, không khí giờ học Âm nhạc thường rất vui tươi và sinh động. HS được học Âm nhạc bằng đa giác quan, bằng nhiều hình thức, GV đã phát huy được tính tích cực và sự sáng tạo của HS, nhiều GV đã vận dụng những phương pháp dạy học mới như học theo góc, học theo dự án, học theo hợp đồng... Thành tựu trên có được là do nhiều nguyên nhân, thứ nhất là bởi hiệu quả của các lớp tập huấn, bồi dưỡng GV cốt cán do Bộ GD-ĐT và các dự án giáo dục chủ trì, thực hiện. Thứ hai là bởi trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, nên GV dễ dàng tiếp cận với những phương pháp dạy học mới. Thứ ba là công tác đào tạo GV Âm nhạc của các trường Đại học, Cao đẳng đã có nhiều cải tiến, thường xuyên cập nhật và bám sát thực tiễn dạy học nên phương pháp dạy học của GV ngày càng được hoàn thiện và nâng cao.

1.2. NHỮNG HẠN CHẾ CỦA GIÁO DỤC ÂM NHẠC

- Hạn chế về chất lượng giáo viên: ngày nay, chất lượng GV Âm nhạc không đồng đều đang là hạn chế lớn nhất. Một yêu cầu quan trọng là GV phải giỏi về năng lực âm nhạc, phải biết đàn giỏi, hát hay, bởi khi GV đã biết đàn giỏi, hát hay thì dễ thu hút được HS, dễ gây dựng phong trào văn nghệ và dễ tổ chức dạy học. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều GV Âm nhạc không đáp ứng được yêu cầu này. Nguyên nhân thứ nhất bởi có quá nhiều trường đào tạo GV Âm nhạc, với đủ trình độ từ trung cấp, cao đẳng đến đại học, trong khi số lượng GV đã bão hòa, các thí sinh đăng kí học ngành sư phạm Âm nhạc hiện giảm nhiều, nên một số trường ĐH, CĐ phải tuyển cả những thí sinh không đủ năng khiếu âm nhạc để đào tạo, dẫn đến chất lượng đầu ra thấp. Nguyên nhân thứ hai là do tiêu cực trong các kì thi tuyển viên chức, nhiều GV Âm nhạc có năng lực khá thì bị loại, GV chỉ có năng lực trung bình thì lại trúng tuyển...

Trên phạm vi cả nước, có những địa phương thiếu GV dạy Âm nhạc là Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Đăk Nông, Đăk Lăk, Ninh Thuận, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang… Trong khi đó, tại Hà Nội, mỗi năm có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp hệ sư phạm Âm nhạc từ những trường như ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Nghệ thuật Quân đội, Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội… lại rất khó tìm được việc làm đúng với nghề được đào tạo của mình.

- Hạn chế của CT và SGK Âm nhạc: Chương trình qui định HS học phân môn Tập đọc nhạc từ lớp 4, nhưng đến lớp 6 mới dạy Nhạc lí là chưa phù hợp, vì các em phải hiểu biết sơ lược về nhạc lí cơ bản thì mới có thể đọc nhạc được. Cần dạy những kiến thức cơ bản về tên nốt, cao độ, trường độ, tiết tấu, ... trước khi bắt đầu đọc nhạc thì mới phù hợp. Chương trình nên bổ sung nội dung đảo phách vào phân môn Nhạc lí, vì đây là nội dung hay có trong các bài hát, bài Tập đọc nhạc, HS thường xuyên phải vận dụng trong khi các em lại chưa được học về kiến thức này. Chương trình đã đưa vào một số nội dung Nhạc lí như giọng, hợp âm, dịch giọng là tương đối khó khăn trong việc dạy học Âm nhạc ở THCS. Ngoài ra, Chương trình chưa chú trọng đến việc giáo dục Âm nhạc mang tính địa phương. Trong tổng số 123 tiết Âm nhạc từ lớp 6 đến lớp 9, chỉ có 1 tiết (tiết 15, lớp 9) là dành cho địa phương tự chọn. Mặt khác, tiết học dành cho địa phương nên được xếp vào giữa học kì, vì nếu để cuối học kì, thời điểm đó GV sẽ chú trọng đến việc kiểm tra, nên thực hiện tiết học cho địa phương sẽ kém hiệu quả.

Một số tiết của SGK Âm nhạc vẫn còn hạn chế (điều khó tránh khỏi), ví dụ như: có một vài bài hát, bài TĐN còn khó, hoặc chưa hay; một số tiết có nội dung hơi nặng (ở THCS có tiết gồm 3 nội dung), có tiết nội dung lại hơi nhẹ; Sách giáo khoa ở THCS có một số kiến thức Nhạc lí khó vận dụng vào thực tế như hợp âm, dịch giọng... Tiêu đề của nhiều tiết ghi là ôn tập bài hát hoặc ôn tập TĐN, nhưng sách chưa biên soạn nội dung ôn tập cụ thể là gì... Bên cạnh đó, một số GV còn quá phụ thuộc vào SGK khi dạy học, chưa dạy bám sát theo Chuẩn kiến thức, kĩ năng của môn Âm nhạc, chưa thể hiện sự linh hoạt và sáng tạo trong việc tổ chức dạy học môn học này.

- Hạn chế về kiểm tra đánh giá kết quả học tập Âm  nhạc: Hiện nay, việc đánh giá kết quả học tập Âm nhạc của HS bằng xếp loại mà không cho điểm là một hạn chế. Tuy Bộ GD&ĐT đã xác định rằng, không có môn học chính, môn học phụ, nhưng Bộ lại chỉ đạo có môn kiểm tra cho điểm, có môn lại đánh giá bằng nhận xét. Từ đó, HS và phụ huynh sẽ nhìn nhận sai lệch về vai trò của các môn học, và sự đầu tư của HS về công sức, trí tuệ và thời gian cho mỗi môn học cũng có sự khác biệt. Bên cạnh đó, đánh giá bằng nhận xét sẽ dẫn đến tính chất cào bằng, ví dụ dạy học Âm nhạc ở Tiểu học, HS được đánh giá bằng 2 mức độ là hoàn thành và chưa hoàn thành, trong thực tế, hầu như tất cả HS đều đạt mức hoàn thành. Như vậy, HS có năng khiếu âm nhạc cũng chỉ được đánh giá ngang bằng với HS không có năng khiếu, hậu quả là nhiều HS không coi trọng môn Âm nhạc, không tích cực và nỗ lực vươn lên trong học tập, thậm chí có HS ở THCS còn không có SGK Âm nhạc.

- Hạn chế về trình độ văn hóa âm nhạc của xã hội: Hiện nay, Việt Nam chỉ mới phổ cập giáo dục Âm nhạc và nghệ thuật được khoảng 10 năm, vì vậy, trong xã hội, mặt bằng chung về thị hiếu văn hóa, thẩm mĩ, nghệ thuật và âm nhạc còn thấp, dẫn đến vai trò của giáo dục Âm nhạc chưa được đánh giá đúng và hiệu quả giáo dục còn chưa cao.

Nâng cao dân trí về văn hóa, thẩm mĩ và nghệ thuật là công việc không hề dễ dàng, không dễ thực hiện chỉ trong vòng vài chục năm, nhưng đó là một việc vô cùng quan trọng, như Khổng Tử đã nói: “Đi qua nhà nào nghe thấy tiếng nhạc, biết được nhà đó có hiền đức”, hoặc văn hào Vích-to Huy-gô đã xác nhận: “Nghệ thuật giúp một dân tộc nô lệ trở thành tự do, giúp một dân tộc tự do trở thành vĩ đại”. Để nâng cao trình độ văn hóa âm nhạc, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của ngành giáo dục, ngành văn hóa và toàn thể xã hội. Khi nào Việt Nam thực hiện giáo dục Âm nhạc được 100 năm, khi nào trong mỗi gia đình, các thế hệ (ông bà, cha mẹ, con cháu) đều am hiểu về âm nhạc thì trình độ văn hóa mới được nâng cao. Và khi đó, chắc chắn chúng ta không cần đặt ra những câu hỏi, ví dụ như: Âm nhạc có vai trò như thế nào trong cuộc sống? Tại sao cần giáo dục Âm nhạc trong nhà trường?

- Hạn chế về tính ổn định của giáo dục Âm nhạc: Giáo dục Âm nhạc ở Việt Nam chưa tạo được sự ổn định cần thiết để hướng tới sự phát triển mang tính bền vững. Đó là chưa ổn định về vị trí của môn học ở trường phổ thông, có giai đoạn thì coi Âm nhạc là môn tự chọn, nơi nào có điều kiện thì thực hiện (trước năm 2000), hiện nay thì Âm nhạc được coi là môn học chính thức, đang thực hiện đại trà trên toàn quốc, nhưng giai đoạn sau 2015 thì Bộ GD-ĐT lại đang có định hướng đưa Âm nhạc chuyển thành hoạt động giáo dục. Ngoài ra, chưa kể đến việc kiểm tra đánh giá môn Âm nhạc ở THCS cũng thiếu sự ổn định, 10 năm qua,  Bộ GD-ĐT đã nhiều lần chỉ đạo thay đổi về hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập Âm nhạc của HS.

II. GIÁO DỤC ÂM NHẠC Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

Giáo dục nghệ thuật nói chung và giáo dục Âm nhạc nói riêng là một thành phần không thể thiếu trong giáo dục bắt buộc ở hầu hết các nước trên thế giới, cho dù ở những nước đó có sự khác biệt về địa lí, chính trị, kinh tế, tôn giáo, văn hóa, xã hội… Những nước càng phát triển thì người ta lại càng chú trọng tới việc giáo dục Âm nhạc và nghệ thuật cho học sinh.

Những nghiên cứu ở Nhật Bản gần đây cho thấy giáo dục Âm nhạc không chỉ đem lại sự phát triển nhân cách và những kĩ năng xã hội. Người ta thấy rằng giáo dục Âm nhạc còn làm phát triển các năng lực của HS trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Toán, Khoa học, khả năng đọc và ngôn ngữ... Thực tế Âm nhạc gắn liền với sự phát triển trí thông minh nói chung. Các nghiên cứu cũng mang lại những bằng chứng cho thấy rằng, đơn thuần chỉ nghe nhạc từ lứa tuổi nhỏ có thể giúp cho trí não phát triển, vì thế một chương trình giáo dục Âm nhạc được soạn thảo dài hạn sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn. Có thể nói, giáo dục Âm nhạc khiến trẻ em trở nên thông minh hơn và trở thành những nhân cách tốt hơn.

So sánh về những môn học cốt lõi trong giai đoạn giáo dục bắt buộc ở các nước, theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD (41 quốc gia, 33 nước thành viên và 8 nước đối tác) và theo tổng kết của INCA (Đánh giá quốc tế về Chương trình):

Những môn học cốt lõi

(thống kê của OECD)

Những môn học cốt lõi

(tổng kết của INCA)

1. Đọc, viết và văn học

2. Toán

3. Khoa học

4. Tìm hiểu xã hội

5. Ngoại ngữ

6. Tiếng Hy lạp và La tinh cổ

7. Công nghệ

8. Nghệ thuật

9. Giáo dục thể chất

10. Tôn giáo

11. Thực hành và kĩ năng nghề

Các môn học khác...

1. Tiếng mẹ đẻ

2. Toán

3. Khoa học

4. Địa lí

5. Lịch sử

6. Ngoại ngữ

7. Thiết kế công nghệ

8. Giáo dục thể chất

9. Nghệ thuật

10. Âm nhạc

11. ICT

12. Giáo dục công dân

Các môn học khác...

 

Cũng theo INCA, những môn học bắt buộc ở Tiểu học, Trung học cơ sở và THPT của tất cả các nước là:

Tiểu học (7 môn)

THCS (8 môn)

THPT (8 môn)

1. Toán

2. Khoa học tự nhiên

3. Ngôn ngữ và văn học

4. Khoa học xã hội

5. Nghệ thuật

6. Giáo dục thể chất

7. Kĩ năng sống

Và các môn học tự chọn...

1. Toán

2. Khoa học tự nhiên

3. Ngôn ngữ và văn học

4. Khoa học xã hội

5. Nghệ thuật

6. Ngoại ngữ

7. Giáo dục thể chất

8. Kĩ năng sống

Và các môn học tự chọn...

1. Toán

2. Khoa học tự nhiên

3. Ngôn ngữ và văn học

4. Khoa học xã hội

5. Nghệ thuật

6. Ngoại ngữ

7. Giáo dục thể chất

8. Giáo dục công dân

Và các môn học tự chọn...

 

Có thể thấy rằng, giáo dục nghệ thuật là một lĩnh vực giáo dục cốt lõi ở hầu hết các nước. Có nước xác định giáo dục nghệ thuật gồm 2 môn là Âm nhạc và Mĩ thuật, có nước lại lựa chọn 4 môn là Âm nhạc, Mĩ thuật, Khiêu vũ, Sân khấu, ...

Những vấn đề trọng tâm và then chốt về giáo dục Âm nhạc của một số nước, được thể hiện trong chương trình giáo dục:

Chương trình

GD Âm nhạc

Trọng tâm về giáo dục Âm nhạc

CT GD

Âm nhạc Anh

1999

Kiến thức, kĩ năng và hiểu biết (Knowledge, skills and understanding):

-Kiểm soát âm thanh thông qua ca hát và chơi nhạc cụ- kĩ năng thực hành

-Sáng tạo và phát triển ý tưởng âm nhạc- kĩ năng sáng tạo

-Đáp ứng và xem xét- kĩ năng đánh giá

-Lắng nghe, áp dụng kiến thức và hiểu biết

CT GD

Âm nhạc Mỹ (Massachusetts)

1999

Các tiêu chuẩn (Standards)

-Ca hát

-Đọc nhạc

-Chơi nhạc cụ

-Ngẫu hứng và sáng tạo

-Phân tích

-Mục đích và ý nghĩa trong nghệ thuật

-Vai trò của các nghệ sĩ trong cộng đồng

-Khái niệm về phong cách, ảnh hưởng và thay đổi phong cách

-Sáng chế, công nghệ và nghệ thuật

-Kết nối các liên ngành

CT GD

Âm nhạc Canada (Quebec) 2004

Các năng lực (Competencies)

-Năng lực 1: Tạo ra tác phẩm âm nhạc

-Năng lực 2: Thực hiện tác phẩm âm nhạc

-Năng lực 3: Biết thưởng thức tác phẩm âm nhạc

CT GD

Âm nhạc

Phần Lan

2004

Các mục tiêu (Objectives)

-Hát, chơi nhạc cụ theo nhóm và cá nhân.

-Nghe âm nhạc một cách tích cực và chăm chú.

-Hiểu sự đa dạng của thế giới âm nhạc.

-Trình diễn âm nhạc, với vai trò hành viên của 1 nhóm nhạc.

-Đánh giá, phê bình về các thể loại và phong cách âm nhạc.

-Hiểu ý nghĩa các yếu tố trong âm nhạc.

-Sáng tạo và biểu diễn âm nhạc.

CT GD

Âm nhạc

Việt Nam

2006

Các nội dung

-Học hát

-Âm nhạc thường thức

-Nhạc lí

-Tập đọc nhạc

CT GD

Âm nhạc

Hàn Quốc

2007

Các nội dung (Contents)

-Hoạt động âm nhạc (ca hát, chơi nhạc cụ, đọc nhạc, sáng tạo…)

-Hiểu biết về âm nhạc (kiến thức nhạc lí và đời sống âm nhạc…)

-Ứng dụng âm nhạc (trong và ngoài nhà trường…)

CT GD

Âm nhạc

Pháp

2008

Kiến thức, kĩ năng và thái độ

1. Cảm nhận âm nhạc, xây dựng văn hóa

1.1. Lắng nghe, khám phá và xác định đặc tính của âm thanh và âm nhạc

1.2. Lắng nghe và nghiên cứu các tác phẩm để hình thành nền văn hóa âm nhạc và nghệ thuật cho bản thân

2. Thực hành âm nhạc

2.1. Trình diễn và sáng tạo âm nhạc

2.2. Các dự án phát triển năng lực âm nhạc và nền văn hóa nghệ thuật của học sinh

CT GD

Âm nhạc

Singapore

2008

Các mục tiêu (Objectives)

O1: Hát và chơi nhạc cụ theo giai điệu, bằng hình thức cá nhân hoặc nhóm

O2: Sáng tác và ứng tác âm nhạc

O3: Lắng nghe để mô tả và đánh giá âm nhạc

O4: Phát triển sự hiểu biết về các yếu tố, khái niệm âm nhạc

O5: Phân biệt, tiếp nhận âm nhạc từ nhiều nền văn hóa, nhiều thể loại

O6: Hiểu được vai trò của âm nhạc trong cuộc sống hàng ngày

CT GD

Âm nhạc Canada (Ontario) 2009

Các mạch (Strands)

-Sáng tạo và biểu diễn

-Phản ánh, ứng phó và phân tích

-Hình thức và bối cảnh văn hóa

 

Tại Hàn Quốc, ở lớp 1 và lớp 2, có 4 môn được tích hợp thành môn Cuộc sống thú vị, đó là Nghệ thuật thực hành, Giáo dục thể chất, Âm nhạc và Mĩ thuật. Từ lớp 3, chúng được tách thành những môn học riêng, trong đó từ lớp 3 đến lớp 7 học 2 tiết Âm nhạc một tuần, từ lớp 8 đến lớp 10 học 1 tiết một tuần. Chương trình được xây dựng dựa theo các loại năng lực của HS như: hoạt động âm nhạc (ca hát, chơi nhạc cụ, đọc nhạc, sáng tạo…), hiểu biết về âm nhạc (kiến thức nhạc lí và đời sống âm nhạc…), ứng dụng âm nhạc (trong và ngoài nhà trường…).

Trường

Tiểu học

THCS

THPT

Lớp

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

Nghệ thuật thực hành

 

 

Cuộc sống thú vị

180       204

-

-

68

68

Kĩ thuật công nghệ

Kinh tế gia đình

68       102      102     102

Các học trình tự chọn

Giáo dục thể chất

102

102

102

102

102

102

68

68

Âm nhạc

68

68

68

68

68

34

34

34

Mĩ thuật

68

68

68

68

34

34

68

34

 

Phân bổ thời lượng dành cho môn Âm nhạc ở Hàn Quốc:

Lớp

Phân bổ thời gian mỗi tuần

Lớp/ tuần (phút)

Tên môn

Trường

1-2

3 (40)

Cuộc sống thú vị

Tiểu học

3-6

2 (40)

Âm nhạc

7

2 (45)

Âm nhạc

Trung học cơ sở

8-9

1 (45)

Âm nhạc

10

1 (45)

Âm nhạc

Trung học phổ thông

 

                    Chương trình tự chọn môn Âm nhạc cho lớp 11 và lớp 12 (trích bảng 2, The School Curriculum of the Republic of Korea).

Môn học

Chương trình cơ bản quốc gia

Chương trình tự chọn trung tâm

Các học trình tự chọn cơ bản

Các học trình tự chọn chuyên sâu

Âm nhạc

Âm nhạc (2)

Âm nhạc và cuộc sống (4)      

Lí thuyết âm nhạc (4)

Thực hành âm nhạc (trên 4)

 

Tại Nhật Bản, âm nhạc là một phần không thể tách rời của bất cứ chương trình giáo dục nào. Mục tiêu là để nuôi dưỡng và củng cố niềm ham thích và sự tham gia của HS vào những hoạt động âm nhạc. Việc này giúp cho các em đạt được kết quả học tập tốt hơn và có những lối cư xử, thái độ và phẩm chất tốt hơn trong cuộc sống.

Tương tự như ở Hàn Quốc, số tiết học Âm nhạc ở Nhật Bản có xu hướng giảm dần từ lớp 1 đến lớp 9. Cụ thể là.

 

Lớp

Số tiết học Âm nhạc/ năm

Ghi chú

Tiểu học

1

68

1 tiết = 45 phút

2

70

3

60

4

60

5

50

6

50

Trung học cơ sở

7

45

1 tiết = 50 phút

8

35

9

35

 

Lớp 1 và lớp 2 luyện tập tiết tấu cho lứa tuổi từ 7-8: Giai đoạn đầu của giáo dục âm nhạc tại các trường tiểu học ở Nhật Bản bắt đầu từ lứa tuổi 7 hoặc 8, cơ bản là luyện tập về tiết tấu. Tại giai đoạn này trọng tâm chủ yếu là gieo niềm ham thích âm nhạc cho trẻ nhỏ, tạo điều kiện cơ bản cho những bước phát triển về âm nhạc sau này. Theo đúng tiến trình thì trẻ em sẽ được lôi cuốn vào âm nhạc một cách nhiệt tình, khám phá ra sự tuyệt vời của âm nhạc.

Lớp 3 và lớp 4 luyện đọc nhạc cho trẻ em ở lứa tuổi 9-10: Sau giai đoạn luyện tập ban đầu về tiết tấu, tới khoảng 9 hay 10 tuổi học sinh được tiếp xúc với các phương tiện âm nhạc. Các em tiếp tục học để phát triển hơn nữa những kỹ năng về tiết tấu đã thu nhận được bằng cách dùng những cung bậc cao thấp và giai điệu khác nhau để biểu đạt một cách tốt hơn. Ngoài việc chơi những giai điệu soạn sẵn các em còn được khuyến khích tự sáng tác và biểu đạt tình cảm của mình một cách tự nhiên bằng âm nhạc. Cũng giống như giai đoạn học tiết tấu ban đầu, quá trình khám phá niềm vui trong giai điệu là chìa khoá cho sự phát triển của trẻ.

Lớp 5 và 6 luyện tập về hoà tấu cho lứa tuổi từ 11-12: Với khoảng 11-12 tuổi, con đường tiếp cận với giáo dục âm nhạc trở nên tổng quát hơn. Trọng tâm được chuyển từ những nhịp điệu và giai điệu đơn giản sang những bài nhạc với nhiều nốt, thanh âm khác nhau, học sinh bắt đầu phát triển khả năng thẩm nhạc tự nhiên hiểu được những hoà tấu và những tiết tấu âm thanh đồng thời cũng tiếp thu được kiến thức ngày càng vững vàng hơn về âm nhạc. Hình thức sáng tác và hình thức biểu diễn nhạc được khuyến khích và tăng cường qua nhiều loại hoạt động âm nhạc khác nhau.

Học sinh Nhật Bản trong giờ học Âm nhạc

Trong các giờ học Âm nhạc ở Nhật Bản, học sinh ở những lớp nhỏ thường sử dụng kèn melodion hoặc sáo recorder để tập trình bày những bản nhạc ngắn gọn, học sinh ở lớp lớn hơn có thể tập hòa tấu những bản nhạc với phần đệm piano của giáo viên. Ở Thái Lan, hàng năm người ta thường tổ chức ngày hội âm nhạc với sự tham gia của tất cả các trường trong khu vực. Mỗi trường có hàng trăm học sinh tham gia, các em vừa diễu hành vừa thổi kèn, đánh trống rất rộn ràng, sôi động. Loại kèn được sử dụng phổ biến trong ngày hội âm nhạc thường là kèn melodion, đôi khi có cả trumpet… Ở Hàn Quốc, Singapore và nhiều nước khác, nhà trường sử dụng đàn piano, đàn phím điện tử và nhiều loại nhạc cụ khác để hướng dẫn học sinh luyện tập âm nhạc. Qua việc giáo dục âm nhạc trong trường ở các nước, có thể nhận thấy, hầu hết học sinh đều rất thích được tiếp cận và sử dụng một loại nhạc cụ nào đó.

Theo Chuẩn Quốc gia về giáo dục phổ thông Liên bang Nga, cấu trúc của hạt nhân nội dung giáo dục phổ thông được chia thành 2 lĩnh vực: lĩnh vực khoa học xã hội- nhân văn bao gồm các môn học Tiếng Nga, Tiếng nước ngoài, Văn học, Nghệ thuật, Lịch sử, Địa lí, Xã hội; lĩnh vực khoa học tự nhiên- Toán học bao gồm các môn Toán học, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học. Trong đó, Nghệ thuật gồm 2 môn là Âm nhạc và Mĩ thuật, với mỗi tuần HS Tiểu học được học 1 tiết Âm nhạc, 1 tiết Mĩ thuật.

Tổng thống Putin đàn piano và hát trong một chương trình gây quỹ chữa trị ung thư cùng các diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới

Ở Mỹ, lịch sử giáo dục Âm nhạc được tính từ năm 1717, khi Đức cha Thomas Symmes thuyết phục nhà trường ở Boston, Massachusetts tổ chức dạy hát cho HS để hoàn thiện năng lực hát và đọc nhạc trong nhà thờ. Sau đó, việc giáo dục Âm nhạc lan rộng sang các trường học ở các bang khác. Ngày nay, mỗi bang có chương trình giáo dục Âm nhạc riêng, tuy nhiên, theo Chuẩn quốc gia về giáo dục âm nhạc của Mỹ, khi học Âm nhạc, học sinh cần đạt được 9 yêu cầu sau:

Hát, một mình và hát cùng người khác.

Trình diễn nhạc cụ, một mình và cùng người khác.

Soạn giai điệu ngẫu hứng, biến tấu và hòa âm.

Sáng tác và soạn bản nhạc theo một số gợi ý.

Đọc nhạc.

Nghe, phân tích và miêu tả âm nhạc.

Đánh giá về tác phẩm và trình diễn âm nhạc.

Hiểu mối quan hệ giữa âm nhạc với các loại nghệ thuật khác.

Hiểu âm nhạc trong mối quan hệ với lịch sử và văn hóa.

Trẻ em ở New York (Mỹ) thổi sáo recorder khi diễu hành trên đường phố

Ở Canada, giáo dục Tiểu học gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, Toán, Khoa học, Công nghệ, Nghệ thuật, Xã hội học, Giáo dục thể chất... Sau giờ học, gia đình nào có điều kiện thì cho con em tham gia các chương trình ngoài giờ, tùy theo độ tuổi, có các môn học như: Nữ công gia chánh (đan lát, thêu thùa, nấu nướng, bảo mẫu...), Thể dục thể thao (yoga, thể dục nhịp điệu, thể dục máy, golf, tennis, điền kinh, bóng đá, bóng chày, bóng chuyền, bóng rổ, khúc côn cầu, đấm bốc, luyện thể hình, cầu lông, võ thuật, trượt băng, khiêu vũ thể thao, múa bụng, múa Trung Hoa, múa hiện đại, múa ba lê, bơi lội, chèo thuyền, cứu hộ...), Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc (piano, guitar, keyboard, violon, thổi sáo, chơi trống, luyện thanh, ca hát...), Kịch (diễn xuất trước ống kính, đọc thơ, kịch câm...), Thủ công (xếp hộp, làm thiệp, xếp hình, nặn đất sét nghệ thuật...), Viết văn, làm thơ... Tất cả những môn học ngoài giờ kể trên, cha mẹ đều phải đóng tiền để tham gia học, tuy nhiên HS cũng được hỗ trợ một tài khoản riêng, chuyên dùng thanh toán cho các hoạt động này.

Ở Anh, chương trình Âm nhạc quốc gia được chia theo 4 giai đoạn: HS từ 5 đến 7 tuổi (chủ yếu phát triển kĩ năng nghe nhạc); từ 7 đến 11 tuổi (kĩ năng hát và chơi nhạc cụ); từ 11 đến 14 tuổi (nhạc lí và đọc nhạc); từ 14 đến 16 tuổi (trình diễn và sáng tạo). Mỗi giai đoạn có mục tiêu riêng, kèm theo đó là nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp.

Ở Phần Lan, giáo dục Âm nhạc ở Tiểu học được chia thành các loại trình độ khác nhau, ví dụ trình độ từ 1 đến 4 có các mục tiêu: HS sử dụng giọng hát tự nhiên và năng lực của mình để ca hát, chơi nhạc cụ và vận động theo nhạc trong nhóm hoặc một mình; nghe để nhận xét về âm nhạc; sáng tạo âm nhạc dựa trên những gợi ý; hiểu biết về sự đa dạng của thế giới âm nhạc… Trình độ từ 5 đến 9 có các mục tiêu: duy trì và cải tiến các năng lực âm nhạc cá nhân; hiểu biết về các thể loại và phong cách âm nhạc; hiểu biết về các yếu tố của âm nhạc như giai điệu, tiết tấu, hòa âm, cường độ, giọng và cấu trúc tác phẩm; sáng tạo âm nhạc. Giáo dục Âm nhạc ở THCS có 2 lĩnh vực: lĩnh vực thứ nhất là giáo dục bắt buộc, gồm 2 chủ đề là Âm nhạc và tôi, Phức điệu của Phần Lan; lĩnh vực thứ hai là giáo dục đặc biệt, gồm 3 chủ đề là Mở rộng với Âm nhạc, Thông điệp và tác dụng của Âm nhạc, Dự án Âm nhạc...

Về nội dung giáo dục Âm nhạc, các nước đều coi trọng giáo dục thực hành cho HS phổ thông, với các nội dung chủ yếu là học hát, đọc nhạc, nhạc cụ, trình diễn âm nhạc, sáng tạo âm nhạc… Trong quá trình giáo dục Âm nhạc cho HS phổ thông, hầu hết các nước đều dạy học sinh biết sử dụng một loại nhạc cụ nào đấy. Bởi vì nhạc cụ là hiện thân của âm nhạc, là công cụ tuyệt vời nhất để tạo ra âm thanh. Tiếp xúc với nhạc cụ làm HS có thêm niềm vui, là bước khởi nguồn cho những sáng tạo nghệ thuật của các em.

Về phương pháp giáo dục Âm nhạc, các nước đều vận dụng một số phương pháp giáo dục Âm nhạc phổ biến cho HS phổ thông, như phương pháp Kodaly (do nhạc sĩ Zoltan Kodaly, nhà giáo dục âm nhạc người Hunggari đề xướng); phương pháp Orff Schulwerk (nhạc sĩ người Đức là Carl Orff); Suzuki (nhà giáo dục người Nhật Bản); Dalcroze (Emile Jaques- Dalcroze, nhà giáo dục âm nhạc người Thụy Sĩ)... Một số nét đặc trưng trong phương pháp của Kodaly là: quy ước đọc tên nốt nhạc bằng các thế tay; sử dụng ca hát như là nền tảng của luyện tập âm nhạc; sử dụng âm nhạc dân gian là tài liệu học tập. Nét đặc trưng của phương pháp Orff Schulwerk là: vận động nhẹ nhàng khi nghe nhạc cổ điển; chơi các trò chơi theo nhịp điệu; vận động theo nhạc; đọc thơ theo tiết tấu… Những phương pháp giáo dục trên đã ít nhiều tác động đến việc dạy học Âm nhạc cho HS ở Việt Nam. Nhiều yếu tố được vận dụng phù hợp với điều kiện dạy Âm nhạc ở nước ta như: coi trọng luyện tập ca hát, tập hát dân ca, vận động theo nhạc, trò chơi âm nhạc, đọc thơ hoặc lời hát theo tiết tấu, các bài tập sáng tạo âm nhạc…

Về đào tạo, GV Âm nhạc ở các nước được đào tạo có chuyên môn sâu về âm nhạc như tốt nghiệp các chuyên ngành biểu diễn âm nhạc, lí luận âm nhạc hoặc sáng tác âm nhạc… sau đó, họ phải theo một khóa học về sư phạm và trải qua quá trình thực tập để có đủ điều kiện giảng dạy Âm nhạc cho HS phổ thông.

Về sách giáo khoa Âm nhạc, có nhiều nước sử dụng SGK cho cả GV và HS như Trung Quốc, Singapore, Malaysia…, có nước sử dụng đồng thời nhiều bộ SGK trong các nhà trường như Nhật Bản, Hàn Quốc…. Có nước, bộ Giáo dục không biên soạn SGK, mà GV phải tự biên soạn tài liệu học tập cho HS.

Sách giáo khoa Âm nhạc Tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 6) của Malaysia (tác giả: C. H. Lee) được biên soạn tương tự như ở Việt Nam, đó là biên soạn theo số tiết trong một năm học. Mỗi lớp gồm 37 tiết, nội dung bao gồm học hát, đọc nhạc, luyện tập tiết tấu, làm quen với nốt nhạc, tìm hiểu về nhạc cụ, …

            Sách giáo khoa Âm nhạc của Trung Quốc cũng biên soạn tương tự như SGK ở Việt Nam, nhưng có một khác biệt lớn là sách thường dùng các chữ số (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7) để đọc thay tên các nốt nhạc. Số 1 là âm chủ của một giọng (ví dụ ở giọng Pha trưởng thì 1 là âm Pha, 2 là âm Son…), còn các chữ số khác là các bậc tương ứng trong giọng đó.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo dự một tiết học Âm nhạc cùng HS lớp 8

Sách giáo khoa Âm nhạc Tiểu học của Singapore (tác giả: Peter Stead; Dr Eugene Dairianathan) lại qui định về thời hạn sử dụng sách chỉ trong 5 năm: sách lớp 1, 2, 3 được dùng từ 2008 đến 2012; sách lớp 4, 5 được dùng từ 2009 đến 2013. Sách không thiết kế theo từng tiết dạy mà theo các chủ đề, ví dụ như: Âm nhạc xung quanh chúng ta; Chuyển động theo nhịp; Âm thanh to và nhỏ; Âm thanh cao và thấp; Âm thanh dài và ngắn…, mỗi lớp có khoảng 10 chủ đề. Mỗi chủ đề lại bao gồm một vài hoạt động trong số các hoạt động như: ca hát, nghe nhạc, hoạt động, suy nghĩ, sáng tạo, làm việc theo nhóm, nhớ lại, xây dựng tạp chí âm nhạc, xem video… Bài học đầu tiên về Âm nhạc của HS lớp 1 là nghe và tìm hiểu về Quốc ca Singapore, Quốc kì, loài hoa và biểu tượng của đất nước Singapore.

Một vài ví dụ về cách biên soạn SGK Âm nhạc ở Singapore. Ví dụ thứ nhất, biên soạn về nội dung và hoạt động của chủ đề Âm nhạc xung quanh chúng ta (lớp 1):

Chủ đề

Nội dung và hoạt động

Âm nhạc xung quanh chúng ta

HS tìm hiểu về âm thanh xung quanh các em

HS làm việc cùng nhau để trả lời câu hỏi: “Trong bức tranh này, mọi người có thể nghe thấy những loại âm thanh nào?”

HS nghe nhạc về các dàn nhạc của Malay, Trung Quốc, Ấn Độ, dàn nhạc giao hưởng phương Tây

HS học hát bài Những chiếc bánh xe buýt

HS tạo ra âm thanh như gõ nhịp, vỗ tay, dậm chân, huýt sáo…

Hoạt động sáng tạo, HS tạo ra các âm thanh khác từ các bộ phận của cơ thể

HS điền thêm các loại cường độ âm thanh vào bảng

HS xây dựng tạp chí âm nhạc, điền trắc nghiệm đúng, sai cho các câu hỏi về âm thanh và âm nhạc

 

Ví dụ thứ hai, biên soạn về nội dung và hoạt động của chủ đề Âm nhạc và những sự thay đổi (lớp 5), mục tiêu là thông qua 7 hoạt động, HS sẽ hiểu được những sự thay đổi trong âm nhạc và thực hành được những kĩ năng âm nhạc cần thiết:

Chủ đề

Nội dung và hoạt động

Âm nhạc và những sự thay đổi

HS phân biệt về cao độ, tốc độ, cường độ, tiết tấu trong âm nhạc

HS nghe bài hát Suzana (của M. Osman) và trả lời một số câu hỏi

HS học hát bài Mẹ muốn nghe

HS nhớ lại về tác dụng của khóa Son

Hoạt động sáng tạo, HS xây dựng hình tiết tấu có 4 nhịp 2/4 và dùng nhạc cụ thể hiện tiết tấu đó

Hoạt động nâng cao, HS tìm ví dụ, nghe và trả lời câu hỏi

HS xây dựng tạp chí âm nhạc, trả lời các câu hỏi thông qua việc nghe 2 biến tấu của bài Mẹ muốn nghe, biến tấu 1 viết ở giọng Rê trưởng, thể hiện với cường độ nhẹ, biến tấu 2 viết ở giọng Son trưởng, thể hiện với cường độ mạnh

 

III. ĐỊNH HƯỚNG VỀ ĐỔI MỚI GIÁO DỤC ÂM NHẠC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG VIỆT NAM SAU 2015

Trên cơ sở đánh giá về những thành tựu và hạn chế của giáo dục Âm nhạc, qua tìm hiểu giáo dục Âm nhạc ở một số nước và qua điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, xin đưa ra một số định hướng về đổi mới giáo dục Âm nhạc sau đây.

3.1. DẠY HỌC ÂM NHẠC CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Dạy học Âm nhạc cho HS trường THPT (lớp 10, 11, 12) là hình thức mở rộng về phạm vi giáo dục Âm nhạc. HS ở tuổi này đang phát triển hoàn thiện về thể chất và tư duy, rất cần được tiếp tục học tập về Âm nhạc, Mĩ thuật để hình thành định hướng thẩm mĩ và nghệ thuật. Hiện nay, GD phổ thông đang bỏ lỡ những cơ hội giáo dục thẩm mĩ và nghệ thuật cho HS, trong khi nhiều em yêu thích nghệ thuật, có năng khiếu về lĩnh vực này nhưng chưa có môi trường để phát triển. Điều này có thể làm một số HS nhận thức sai lệch về thị hiếu thẩm mĩ, về giao tiếp, về kĩ năng sống… Một giải pháp khả thi là đưa giáo dục nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật, Múa, Kịch, Sân khấu….) trở thành một trong những chủ đề tự chọn ở trường Trung học phổ thông.

Đề xuất về kế hoạch giáo dục Âm nhạc trong trường phổ thông sau năm 2015.

 

Lớp

Số tiết học Âm nhạc/ năm

Ghi chú

Tiểu học

1

35 tiết

1 tiết = 35 phút

2

35 tiết

3

35 tiết

4

35 tiết

5

35 tiết

Trung học

cơ sở

6

35 tiết

1 tiết = 45 phút

7

35 tiết

8

35 tiết

9

18 tiết

Trung học

phổ thông

10

Các chủ đề Âm nhạc tự chọn

1 tiết = 45 phút

11

12

 

Ở Trung học phổ thông, mỗi chủ đề Âm nhạc tự chọn được thực hiện khoảng 5-7 tiết, ví dụ như: học hát, nhạc cụ, tập đọc nhạc, nhạc lí, âm nhạc và múa, lịch sử âm nhạc, trình diễn âm nhạc… Trước mắt, tùy thuộc vào sự đăng kí của HS, nhà trường sẽ mời GV thỉnh giảng hoặc tổ chức dạy học cho phù hợp với điều kiện thực tế.

3.2. DẠY NHẠC CỤ TRONG MÔN ÂM NHẠC

Đây là một thay đổi rất cần thiết, vì học nhạc cụ sẽ làm môi trường học tập Âm nhạc trở nên đa dạng, phong phú hơn. Có hai phương tiện để biểu hiện âm nhạc là giọng hát và nhạc cụ, thì chúng ta mới chỉ sử dụng giọng hát của HS mà hoàn toàn chưa khai thác được vai trò của nhạc cụ trong giáo dục âm nhạc. Ngoài ra, có những HS không có khả năng ca hát, nhưng lại có thể chơi nhạc cụ khá tốt, vì vậy hoạt động này sẽ làm các em không thấy chán hoặc sợ học âm nhạc.

Để nâng cao hiệu quả giáo dục Âm nhạc, chúng ta cần học tập, nghiên cứu về giáo dục âm nhạc ở các nước. Trong đó xác định việc dạy nhạc cụ cho HS trong nhà trường phổ thông là điểm nhấn quan trọng, là thay đổi lớn so với chương trình GD Âm nhạc hiện hành.

Về dạy nhạc cụ, có thể chia thành 2 giai đoạn, HS ở lớp 1, 2, 3 cần học cách sử dụng các nhạc cụ gõ (thanh phách, song loan, mõ, trống, sênh) để rèn luyện về nhịp điệu và tiết tấu. Từ lớp 4 đến lớp 9, các em sẽ học thêm một nhạc cụ khác (loại đơn giản và phổ biến như sáo recorder, kèn melodion...) để hỗ trợ phát triển kĩ năng thực hành âm nhạc, như: ca hát, đọc nhạc, biểu diễn, sáng tác, ...

Sáo recorder, một nhạc cụ được dùng phổ biến trong giáo dục Âm nhạc ở các nước

3.3. XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH MÔN ÂM NHẠC THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NĂNG LỰC CỦA HS

Để giáo dục HS trở thành những người phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ, đồng thời đạt được 4 trụ cột về giáo dục (học để biết, học để làm, học để tự khẳng định, học để cùng chung sống- UNESCO), chương trình Âm nhạc sau 2015 cần góp phần giúp HS hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực chung và các năng lực chuyên biệt sau:

Phẩm chất

Năng lực chung cốt lõi

Năng lực chuyên biệt

-Tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.

-Nhân ái, khoan dung, quan hệ thân thiện với con người và môi trường tự nhiên.

-Trung thực trong học tập và trong các mối quan hệ.

-Có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

-Tự chủ, tự tin và có tinh thần vượt khó.

-Chấp hành pháp luật, nội quy, quy định nơi công cộng.

-Năng lực học tập chung, cơ bản.

-Năng lực tư duy.

-Năng lực thu thập (tìm kiếm, tổ chức), xử lý thông tin.

-Năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề.

-Năng lực giao tiếp.

-Năng lực hợp tác.

-Năng lực tự quản lý và phát triển bản thân.

-Thực hành âm nhạc.

-Hiểu biết âm nhạc.

-Cảm thụ âm nhạc.

-Trình diễn âm nhạc.

-Sáng tạo âm nhạc.

 

Giải thích và minh họa về kế hoạch thực hiện phát triển các năng lực chuyên biệt về Âm nhạc:

Năng lực chuyên biệt về

Âm nhạc

Tiểu học

THCS

THPT

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

Thực hành âm nhạc (ca hát, nhạc cụ, đọc nhạc)

Các chủ đề Âm nhạc tự chọn

Hiểu biết âm nhạc (nhạc lí, âm nhạc thường thức)

Cảm thụ âm nhạc (lắng nghe, cảm nhận, phân tích, đánh giá)

Trình diễn âm nhạc (ca hát, nhạc cụ, ca hát và nhảy múa, ...)

Sáng tạo âm nhạc

 

 

 

 

3.4. GIÁO DỤC ÂM NHẠC ĐẬM BẢN SẮC VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG

            Chương trình và SGK cần dành một thời lượng nhất định để nhà trường tổ chức giáo dục âm nhạc mang đậm bản sắc văn hóa các địa phương. Cụ thể, trong mỗi học kì, SGK cần dành 1 tiết để nhà trường dạy nội dung tự chọn. Các nội dung được khuyến khích sử dụng trong tiết học này là: học các bài dân ca phổ biến tại địa phương; học bài hát viết về địa phương; học bài hát do các nhạc sĩ ở địa phương sáng tác; học bài hát do thầy cô giáo trong nhà trường sáng tác; tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc phổ biến ở địa phương; tìm hiểu về nghệ thuật âm nhạc và múa ở địa phương; tìm hiểu về mối liên hệ giữa âm nhạc và các loại nghệ thuật khác…

3.5. SỬ DỤNG DI SẢN TRONG GIÁO DỤC ÂM NHẠC

Việt Nam hiện có 2 di sản thiên nhiên thế giới, là vịnh Hạ Long và vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, cùng với 5 di sản văn hóa thế giới, là quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ. Ngoài ra nước ta còn được UNESCO công nhận một số di tích khác, đôi khi cũng được xếp vào di sản thế giới, đó là: cao nguyên đá Đồng Văn, nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh- Bắc Giang, ca trù, hội Gióng và đền Sóc, mộc bản triều Nguyễn, bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long, hát xoan.

Như vậy, có đến 5 di sản thế giới tại Việt Nam gắn liền với sinh hoạt văn hóa và âm nhạc, đó là: nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh- Bắc Giang, ca trù và hát xoan. Việc tuyên truyền, sử dụng 5 di sản này là lợi thế và cũng là trách nhiệm của giáo dục Âm nhạc, là lợi thế bởi di sản là một loại phương tiện giáo dục, là trách nhiệm bởi giáo dục Âm nhạc có trách nhiệm phải phổ biến, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Các biện pháp cụ thể trong sử dụng di sản là khi biên soạn SGK và lựa chọn phương tiện dạy học của GV, cần tăng cường sử dụng những hình ảnh, âm thanh, thông tin, hiện vật về 5 di sản gắn liền với sinh hoạt văn hóa và âm nhạc, góp phần làm phong phú nguồn tư liệu, nâng cao chất lượng giáo dục Âm nhạc và giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường phổ thông.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, Viện KHGDVN, Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng kế hoạch giáo dục phổ thông.

2. PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh, Viện KHGDVN, Xu thế phát triển giáo dục tiểu học của một số nước trên thế giới (Mã số: B2009-37-76).

3. Yvonne R. Khác biệt khi 3 con học ở Việt Nam, Đan Mạch và Canada (phần 1); Vừa học vừa chơi vẫn thoải mái (phần 2), Tin nhanh Việt Nam (www.vnexpress.net).

4. Chương trình GD môn Âm nhạc một số nước.

Và một số tài liệu khác...

 

Từ khóa:

n/a

Ý kiến bạn đọc

Avata
Vũ Xuân Trường - Đăng lúc: 11/01/2016 20:33
Nội dung Đinh hướng âm nhạc như vậy là rất cần thiết. Nhưnmg cho tôi hỏi định hướng như vậy thì bao giờ mới áp dụng vào thực tế? Hày là định hướng chỉ là định hướng mà thôi,. Trân thành cảm ơn!

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Rss Feed



Ảnh đẹp

video



Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 4
  • Hôm nay: 331
  • Tháng hiện tại: 18868
  • Tổng lượt truy cập: 5620728

Chuyên Mục

Sở hữu và quản lý Website: Lê Anh Tuấn (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo)